“Chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau nhưng thực tế vẫn đang còn tình trạng này. Có tới hàng triệu người không có giấy tờ tùy thân, không có căn cước, hộ khẩu nên không thể quản lý. Đó là con số đáng buồn” - bộ trưởng nêu thực tế.
Đại tướng kể lại câu chuyện khi công an xã triển khai việc cấp căn cước công dân ở vùng sâu vùng xa, có những cụ già 70 tuổi chưa bao giờ ra khỏi nhà, chưa từng chụp ảnh. Còn ngay tại Hà Nội hay TP.HCM, cũng có hàng trăm nghìn người không có giấy tờ, không hộ khẩu, thường trú.
Đó là những người bán hàng rong, thợ đánh giày, những người làm thuê, làm mướn… cuộc sống tạm bợ, ngủ ở khu trọ, gầm cầu. Khi họ lập gia đình, sinh con đẻ cái cũng không có giấy khai sinh, không được đi học và lớn lên tiếp tục… đánh giày, cuộc sống lại khó khăn như vậy. Vì vậy, việc cấp căn cước sẽ giúp bảo vệ người dân.
Thêm vai trò nữa là quản lý xã hội. Với căn cước, người dân sẽ thuận tiện hơn trong các giao dịch, thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và quản lý thuận lợi hơn.
“Nhìn lại cảnh người dân xếp hàng xin hộ chiếu, hàng tập hồ sơ, xác nhận đủ thứ giấy tờ, thậm chí không đủ chỗ lưu giữ hồ sơ, thì giá trị hệ thống này mang lại vô cùng lớn” - bộ trưởng nói và thông tin là 245 thủ tục hành chính của Bộ Công an đều đã thực hiện trên môi trường điện tử.
Nêu thêm lý do của việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng để đảm bảo tính “chính xác và bao hàm hơn”. Cũng bởi thẻ căn cước không phải là giấy chứng nhận công dân.
Thực tế, có những trường hợp bị tước quyền công dân nhưng vẫn có căn cước và sở hữu tài sản. Vì vậy, cách gọi là căn cước công dân sẽ không chính xác.
Trước những lo ngại của các đại biểu về an toàn, an ninh thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ trưởng thông tin là mỗi ngày có hàng nghìn cuộc tấn công. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa ghi nhận vụ việc nào về thâm nhập hệ thống, đảm bảo mọi giao dịch, quyền bảo vệ dữ liệu, bí mật cá nhân.
Về lợi ích của việc tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Lâm cho biết với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ không phải tổng điều tra dân số, tiết kiệm cho Nhà nước 1.500 tỉ đồng.
Chưa kể việc kết nối với các ngành khác thực hiện thủ tục hành chính, con số tiết kiệm có thể lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Về kinh phí cấp thẻ, ông Lâm cho biết là từ các nguồn tổ chức quốc tế tài trợ và xã hội hóa. Đơn cử, phôi thẻ làm căn cước cũng do doanh nghiệp sản xuất, với chi phí rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu.
Ông cũng bác bỏ các quan điểm cho rằng người dân sử dụng thẻ này sẽ bị theo dõi, do trên thẻ không có sóng, không có tín hiệu, nên không thể có chức năng "theo dõi".