Mức hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng là chưa đủ để thu hút học viên nhóm công nghệ, kỹ thuật... ở bậc cao học, bởi họ còn vật lộn kiếm sống, trong khi đại học nước ngoài tích cực chiêu mộ, theo nhiều chuyên gia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo chính sách với sinh viên, học viên cao học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Trong đó, người học được cấp sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng mỗi tháng, tối đa 10 tháng một năm, tương tự sinh viên sư phạm.
Ngoài ra, họ được cấp học bổng 50, 70 hoặc 100% học phí, nếu đạt kết quả khá, giỏi, xuất sắc ở mỗi kỳ. Con số cụ thể sẽ căn cứ trần học phí của Chính phủ. Năm học tới, mức trần với khối ngành này là 1,7-1,85 triệu đồng một tháng. Nếu trường đã tự chủ hoặc đạt kiểm định, học phí được thu cao hơn.
Dự kiến các ngành được hỗ trợ:
Lĩnh vực | Ngành học cụ thể |
Khoa học cơ bản | Toán học; Vật lý học; Hóa học; Sinh học; Khoa học máy tính (được xem là một ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực công nghệ); Khoa học môi trường. |
Kỹ thuật then chốt | Phương án 1: Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Điện - Điện tử, Tự động hóa, Cơ khí chính xác, Kỹ thuật hàng không, Vật liệu mới. |
Phương án 2: Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật công nghiệp; Kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Kỹ thuật công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử - viễn thông; Kỹ thuật cơ điện tử; Kỹ thuật hóa học; Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật phần mềm; Kỹ thuật cơ khí động lực; Kỹ thuật ô tô; Kỹ thuật thực phẩm; Kỹ thuật năng lượng; Kỹ thuật tự động hóa. | |
Công nghệ chiến lược | Phương án 1: Công nghệ sinh học, Công nghệ Nano, Công nghệ vũ trụ, Công nghệ môi trường, Công nghệ năng lượng tái tạo. |
Phương án 2: Công nghệ thông tin; Kỹ thuật phần mềm; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật tự động hóa; Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu; Công nghệ nano; Công nghệ thông tin - An toàn thông tin; Công nghệ môi trường; Công nghệ thực phẩm; Công nghệ điều khiển và tự động hóa; Công nghệ truyền thông đa phương tiện; Công nghệ y sinh; Công nghệ chế tạo máy; Công nghệ thông tin - Khoa học dữ liệu. |
Ủng hộ đề xuất của Bộ, song TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp TP HCM, cho rằng mức hỗ trợ như trên là "chưa ăn thua", không đủ sức thu hút học viên sau đại học, đặc biệt bậc tiến sĩ.
Theo ông, đa số cử nhân ra trường chọn đi làm để lo cho cuộc sống trước mắt, vài năm sau mới nghĩ đến học lên cao. Trong khi phần lớn nghiên cứu sinh vẫn phải vật lộn với công việc, kiếm sống. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo bậc này chưa cao. Nếu có chính sách đủ mạnh, những em tốt nghiệp đại học xuất sắc sẽ mạnh dạn đi thẳng lên con đường nghiên cứu.
"Cần quan niệm đúng là làm nghiên cứu sinh chứ không phải đi học. Do đó, họ cần được miễn học phí, trả lương hàng tháng, chi phí dự hội thảo khoa học", ông Nhân nói, cho hay ở nhiều nơi trên thế giới, nhóm này còn được chi trả tiền vật liệu, thiết bị thí nghiệm.
Đây cũng là đề xuất của PGS.TS Phạm Thanh Huyền, Đại học Bách khoa Hà Nội và TS Trịnh Thị Thúy Giang, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, tại tọa đàm lấy ý kiến cho dự thảo hồi cuối tháng trước ở TP HCM.
Bà Giang gợi ý trả mức lương cơ bản khoảng 5-6 triệu đồng mỗi tháng để nghiên cứu sinh yên tâm, tập trung học thay vì vừa đi làm vừa học ngoài giờ, tại chức. Ngoài ra, nếu nghiên cứu có kết quả, họ cần được trả thù lao từ dự án, đề tài nghiên cứu.
Tương tự, PGS.TS Trần Đình Phong, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), quan niệm học viên cao học là những người trực tiếp tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ. Nhà nước cần dành nguồn lực hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu để họ yên tâm học tập, nghiên cứu.
Ông lấy ví dụ chương trình đào tạo tiến sĩ song bằng do USTH liên kết với các đại học ở Pháp. Học viên học tập, nghiên cứu trong nước 18 tháng và 18 tháng ở Pháp. Thời gian ở Việt Nam, họ được cấp 5 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 300 EUR. Trong khi ở Pháp, mức tối thiểu mỗi tháng là 1.200 EUR.
TS Phong nhận định các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản đang thiếu nguồn nhân lực nên các đại học của họ sang Việt Nam chiêu mộ những sinh viên giỏi nhất để đào tạo sau đại học.
"Nếu chỉ tập trung cấp học bổng cho sinh viên mà không quan tâm đến sau đại học hoặc với mức độ không tương xứng thì có thể chúng ta đang chuẩn bị nhân lực cho nước ngoài", ông nói.
Mặt khác, học bổng cho nghiên cứu sinh cần được cấp một lần cho cả khóa, thay vì xét từng kỳ như sinh viên. Nếu cấp từng kỳ có thể dẫn đến tình trạng học viên làm những đề tài đơn giản để duy trì học bổng. Kết quả của những đề tài này thường ít giá trị, ý nghĩa cho khoa học và đời sống.
"Nếu họ làm đề tài khó mà 1, 2 năm không ra kết quả thì những năm sau mất học bổng. Trong khi muốn có đột phá về khoa học công nghệ thì phải bắt tay vào những bài toán cực khó của doanh nghiệp", Phó hiệu trưởng USTH nói.
Với bậc đại học, TS Nguyễn Trung Nhân đề xuất ban soạn thảo cân nhắc việc quy giá trị học bổng theo kết quả học tập. Phân loại học bổng khá, giỏi, xuất sắc sẽ dễ dẫn đến tình trạng thầy cô "du di" để sinh viên có điểm cao, nhận học bổng cao.
Còn TS Trịnh Thị Thúy Giang đề xuất giới hạn tỷ lệ được nhận học bổng ở mỗi trường để đảm bảo công bằng. Lý do là mỗi trường có cách đánh giá, cho điểm khác nhau.
"Nhiều trường, ngành có số lượng sinh viên lớn, ngược lại một số ngành chỉ vài chục em theo học. Do đó, chính sách nên giới hạn tỷ lệ sinh viên được nhận học bổng", TS Giang cho hay.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường tuyển khoảng 218.000 sinh viên các ngành STEM trong năm 2024, tăng 18.000 so với năm trước đó.
Nếu tính trên tổng số sinh viên, tỷ lệ theo lĩnh vực STEM trong những năm gần đây khoảng 27-29% (560.000 - 600.000 người). Số này thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới, như Singapore (46%) và Malaysia (50%), Hàn Quốc, Phần Lan, Đức (khoảng 35-39%).
Việt Nam dự kiến tăng quy mô đào tạo khối STEM, đạt trên một triệu người học vào năm 2030. Trong đó, các ngành liên quan tới Công nghệ thông tin và Truyền thông, Công nghệ số chiếm khoảng 60%.