Tham gia hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, học sinh Đắk Lắk không chỉ giúp đỡ cộng đồng mà còn rút ra những bài học quý giá từ thực tiễn vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Khi bộ máy chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành tại xã Liên Sơn Lắk (Đắk Lắk), Trung tâm phục vụ hành chính công xã trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người dân đến giao dịch tăng đột biến, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người chưa thông thạo tiếng Việt, hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
Trước thực tế này, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã và Trung tâm phục vụ hành chính công phối hợp đảm bảo hoạt động thông suốt, đồng thời phân công Bí thư Đoàn xã thành lập đội hình thanh niên tình nguyện với 15 đoàn viên, trong đó có 9 học sinh Trường THPT Lắk.
“Các em nhiệt tình, nhanh nhẹn và thân thiện. Đặc biệt, nhiều người dân đánh giá cao tinh thần phục vụ của các em - những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã ý thức được trách nhiệm công dân của mình trong quá trình xây dựng chính quyền số”, bà Đào Thị Thanh An - Bí thư Đảng ủy xã Liên Sơn Lắk cho biết.
Là một trong những tình nguyện viên trẻ của đội hình hỗ trợ hành chính công, Nguyễn Xuân Mai - học sinh lớp 11A5, Trường THPT Lắk chia sẻ: “Em tham gia với mong muốn góp một phần nhỏ vào công cuộc xây dựng chính quyền số. Qua hoạt động này, em có cơ hội tiếp xúc, lắng nghe và giúp đỡ bà con, đặc biệt là người lớn tuổi, không thành thạo công nghệ - làm quen với dịch vụ công trực tuyến”.
Do nhiều người dân còn lúng túng khi phải khai thông tin điện tử hoặc sử dụng điện thoại thông minh, Mai và các bạn đã hướng dẫn cách đăng ký VNeID, truy cập nền tảng dịch vụ công, thậm chí viết hộ đơn cho người không biết chữ.
Ông Y Că Liêng - 76 tuổi, người Ê Đê ở buôn Dơng Băk đến làm thủ tục đất đai trong tâm trạng đầy lo lắng. “Tôi không biết chữ, cũng không biết dùng điện thoại. Nhờ có mấy cháu học sinh tận tình chỉ dẫn, tôi làm xong mọi thủ tục nhanh chóng”, ông Y Că Liêng kể.
Theo ông Phan Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Lắk, thông qua hoạt động thực tiễn này, học sinh không chỉ được rèn luyện kỹ năng mềm mà còn “thấm” dần những bài học về đạo đức, công dân và trách nhiệm xã hội.
“Các em được tiếp xúc với đời sống thực tế, thấu hiểu khó khăn của bà con vùng sâu, dân tộc thiểu số khi tiếp cận dịch vụ công; hiểu hơn về cơ chế hoạt động của chính quyền cơ sở, cách xử lý và vận hành quy trình hành chính. Đây cũng là dịp để các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, nâng cao sự tự tin, trách nhiệm và tính kỷ luật”, ông Phan Anh nói.
Nói thêm về điều này, em Xuân Mai tâm sự: “Qua hoạt động này, em thấy rõ vai trò của công nghệ và truyền thông trong kết nối chính quyền với người dân. Em mong sau này có thể làm trong lĩnh vực truyền thông chính sách hoặc quản lý công để góp phần xây dựng xã hội minh bạch, hiệu quả”.
Trong khi đó, Quỳnh Anh lại mong muốn lan tỏa tinh thần tình nguyện đến bạn bè cùng trang lứa. “Em muốn nhắn nhủ với các bạn rằng: Hãy bước ra khỏi vùng an toàn. Khi dám trải nghiệm, bạn sẽ trưởng thành rất nhanh. Em tin rằng mỗi người trẻ đều có thể đóng góp, dù chỉ là hành động nhỏ để xã hội tiến bộ hơn mỗi ngày”.
Không chỉ ở xã Liên Sơn Lắk, tại xã Cư M’gar, học sinh Trường THPT Trần Quang Khải cũng phối hợp cùng Đoàn xã tham gia tích cực vào việc hỗ trợ hành chính công.
Thầy Đỗ Minh Quyên - Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Quang Khải cho biết, sau khi phát động có hơn 10 học sinh đăng ký tham gia. Trong đó, 2 em Nguyễn Thị Khánh Hoài và Trần Thị Hoàng Ngọc (Chi đoàn 12A1) ra quân từ ngày đầu.
“Trong buổi sáng, chúng em giới thiệu sơ đồ các quầy dịch vụ, hướng dẫn người dân làm thủ tục thường gặp. Buổi chiều, em được phân công hỗ trợ làm khai sinh, kết hôn. Có bác không biết chữ, em phải viết giúp rồi đọc lại cho bác nghe”, Khánh Hoài kể.
Ông Lê Chí Khai - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải khẳng định: “Chúng tôi luôn khuyến khích học sinh tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng. Đây là những bài học công dân đầu đời, hình thành tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước thực chất chứ không chỉ lý thuyết”.
Học sinh các trường THPT vùng khó chủ động tham gia hỗ trợ hành chính công là minh chứng sống động cho tác động tích cực của Chương trình GDPT 2018 - hướng tới phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, gắn kiến thức với cuộc sống.
Không chỉ giúp chính quyền giảm tải áp lực trong những ngày đầu chuyển đổi mô hình, các em còn thể hiện bản lĩnh, nhân ái và trách nhiệm - những phẩm chất cần có của thế hệ công dân số trong kỷ nguyên chuyển đổi số quốc gia.
Để giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính công nhanh, chính xác, Tỉnh đoàn Đắk Lắk thành lập 102 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ tại 102 xã, phường. Trong số này, lực lượng đoàn viên thanh niên đang là học sinh THPT đóng vai trò quan trọng.