Thời sự

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp khi cần thiết

Theo Luân Dũng 22/07/2024 12:14

Luật Cảnh vệ 2024 đã bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết.

Sáng 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 .

Tại cuộc họp báo, các đại biểu, phóng viên tham dự đã dành phút mặc niệm để tỏ lòng thành kính, tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thông tin tại họp báo, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024 (Luật Cảnh vệ 2024) được Quốc hội thông qua ngày 28/6, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, gồm 2 điều. Trong đó: Điều 1, sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Điều 2 là điều khoản thi hành.

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp khi cần thiết- Ảnh 1.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin tại họp báo

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, minh bạch, khả thi.

Luật Cảnh vệ 2024 đã bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Cùng với đó, luật cũng quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Cụ thể, lần sửa đổi này bổ sung đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ .

Luật cũng quy định rõ về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.

Cụ thể, đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ: Được bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động, được đảm bảo an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại; được bố trí xe cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác bằng ô tô, được bố trí toa riêng khi đi công tác bằng tàu hỏa, được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ khi đi công tác bằng tàu bay…

Đối với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị: Được bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi làm việc, nơi ở, được bố trí xe cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.

Cũng theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, lần sửa đổi này, Luật Cảnh vệ 2024 đã bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo công tác đối ngoại.

Luật Cảnh vệ 2024 cũng quy định, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an tỉnh, thành sẽ do Bộ trưởng Công an quyết định khi cần thiết, căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công an cũng quy định chế độ huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, huấn luyện diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an.

Bài liên quan
CLIP: Cán bộ công an lấy thân mình ngăn đoạn đê gia cố không bị vỡ trong đêm ở Hà Nội
Giữa đêm tối, Thượng uý Vũ Tuấn Lực đã lấy thân mình đè lên các bao cát vị trí xung yếu để ngăn không cho đê gia cố bị vỡ ở Chương Mỹ, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp khi cần thiết