Tại các cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, ĐH Đà Nẵng đã đề xuất tỉnh Quảng Nam xem xét phương án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án như cách triển khai của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, sẽ sử dụng ngân sách của địa phương và thu hồi tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư cho dân. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chủ trương thống nhất về phương án bố trí tái định cư của tỉnh Quảng Nam.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cho rằng giải phóng mặt bằng không thể tách ra là một dự án riêng mà phải gắn với xây dựng cơ bản theo cách mà Đà Nẵng đang triển khai. Ngoài ra, cần phải huy động nguồn lực vốn từ nguồn xã hội hóa và các dự án PPP cho giải phóng mặt bừng và tái định cư. “Muốn phát triển thành một đại học mạnh không thể chỉ có nguồn đầu tư từ ngân sách được”, ông Trinh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, với Dự án Làng đại học Đà Nẵng, không thể "treo" lâu hơn nữa. “Vì vậy, nếu đã quan tâm thì cần quan tâm hơn nữa, đã ráo riết thì phải ráo riết hơn nữa. Thành phố Đà Nẵng đã xem sự phát triển của ĐH Đà Nẵng là một phần của thành phố, đây là môt sự thuận lợi nhưng đồng thời cũng là một thách thức. Chúng ta không chỉ xây cơ sở đại học ở chỗ mới, cốt sao cho có tòa nhà mọc lên mà phải đầu tư một khu đô thị đại học hiện đại, thông minh và đẳng cấp”, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng cùng quan điểm như vậy, ông Mai Văn Trinh khuyến nghị, Dự án Làng đại học Đà Nẵng là cơ hội rất lớn để ĐH Đà Nẵng mở rộng và phát triển. Do vậy, trong hoạch định, phải có tầm nhìn xa, ít nhất cũng phải được 100 năm, đầu tư theo hướng một đại học hiện đại, thông minh và xanh. “Chúng ta vừa xây dựng vừa khai thác nên xây dựng được đến đâu thì phải đảm bảo tính bền vững và khai thác có hiệu quả”, ông Trinh gợi ý.
Với kế hoạch thành lập ĐH Quốc tế trên cơ sở của Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt – Anh, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cần phải xác định Trường Quốc tế nằm ở đâu trong chiến lược phát triển của ĐH Đà Nẵng để tránh chồng chéo trong đào tạo. Lĩnh vực đào tạo của trường này có gì khác so với các cơ sở đào tạo đại học hiện có của ĐH Đà Nẵng hay không?
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cần chú trọng 3 trụ cột trong chiến lược phát triển thành ĐH quốc gia: Nghiên cứu khoa học – công nghệ; Tái cơ cấu ngành nghề và xây dựng đội ngũ các chuyên gia đầu ngành.
Theo đó, Bộ trưởng gợi ý, về nghiên cứu khoa học, ĐH Đà Nẵng cần tiếp tục khắc phục khó khăn, phát triển tiềm lực đội ngũ, cơ sở vật chất và các nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình khoa học công nghệ lớn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ĐH Đà Nẵng cần tập trung hình thành, phát triển đội ngũ chuyên gia trong từng ngành, lĩnh vực; đủ năng lực tư vấn, đề xuất, giải quyết các vấn đề cấp thiết, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Muốn như vậy, cần tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhà khoa học hội nhập sâu rộng với các hoạt động học thuật, nghiên cứu, thể hiện uy tín, ảnh hưởng quốc tế.
Với một Đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực, ĐH Đà Nẵng cần tái cơ cấu ngành nghề đào tạo. Trong đó, cần tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách cho 3 nhóm ngành nghề ưu tiên gồm công nghệ và kỹ thuật, sư phạm và khoa học cơ bản có tính nền tảng. Đặc biệt, với lĩnh vực công nghệ cao, các trường thành viên phải tính đến nhân lực công nghệ cho ít nhất là 10 năm sắp tới để giải quyết nhân lực cho đất nước trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Nguồn lực từ ngân sách phải tập trung mạnh cho 3 nhóm ngành nghề ưu tiên đó. Các khối ngành còn lại có thể phát huy tự chủ đại học. Cần xem xét quy hoạch, định hướng phát triển các ngành nghề giải quyết nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho những năm tháng sắp tới chứ không nên đầu tư dàn trải”.