Quan chức này nêu rõ Đức là quốc gia ủng hộ Ukraine lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, ông thừa nhận nền tảng công nghiệp quốc phòng ở Đức và phương Tây đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu cao về vật tư quân sự.
Ông nói: “Chúng tôi hiện gặp phải vấn đề là ở một số khu vực nhất định, ngành công nghiệp vũ khí không thể cung cấp nhanh theo nhu cầu”.
Bộ trưởng trên cũng nhận xét rằng trong khi các nhà sản xuất vũ khí phương Tây đang nỗ lực hết sức để tăng năng suất thì Nga cũng đang làm điều tương tự, bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây.
Ông cũng nhắc đến những lời chỉ trích của mình về mục tiêu đầy tham vọng của Liên minh châu Âu (EU), được công bố lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay, là cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào mùa xuân năm 2024. Ông cho biết mục tiêu này đã đặt ra những kỳ vọng phi thực tế và khó có thể thực hiện được.
Tính đến tháng 11, khối EU chỉ chuyển giao được 1/3 lượng vũ khí dự kiến.
Tháng trước, một số cơ quan truyền thông phương Tây đưa tin rằng chính phủ Đức đã đồng ý tăng gấp đôi khoản tiền viện trợ quân sự cho Ukraine từ 4 tỷ euro lên 8 tỷ euro vào năm 2024. Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không gửi vũ khí cho Kiev, với lập luận rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài xung đột, đồng thời khiến phương Tây trở thành bên tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine đổ lỗi cho tình trạng chậm trễ giao hàng và thiếu sự hỗ trợ của phương Tây đã khiến chiến dịch phản công của Kiev không đạt được những thành tựu đáng kể. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho rằng Ukraine “đang thua” trên chiến trường, ước tính tổn thất của Kiev kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công là hơn 125.000 quân nhân.