Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, câu chuyện xã hội hóa giáo dục không chỉ là giảm gánh nặng biên chế mà là để người dân tiếp cận giáo dục theo nhu cầu. Đà Nẵng đã làm tốt xã hội hóa ở bậc học mầm non nhưng còn các bậc học khác, các hạng mục khoa học công nghệ ở các trường đại học cũng cần phải tính đến. Phải có sự hợp tác công tư, huy động các nguồn lự đầu tư thì mới có sự đột phá được.
Đẩy nhanh tiến độ dự án Làng đại học Đà Nẵng
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án Làng đại học Đà Nẵng 110 ha. Phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho ĐH Đà Nẵng từ năm 2017 là 38,6 ha. Với diện tích còn lại gồm 71,4 ha, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 40 ha.
“Đà Nẵng gần như đầu tư tuyệt đối cho dự án này. Với phần diện tích đất sạch đã bàn giao, đề nghị ĐH Đà Nẵng cần khẩn trương thi công, nếu không sẽ bị tái lấn chiếm. Việc thi công chậm trễ sẽ tạo sự bức xúc cho người dân khi phải sớm thực hiện giải tỏa nhưng đất lại không được xây dựng”, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Quảng cho rằng, Đà Nẵng xem các vấn đề liên quan đến dự án Làng đại học Đà Nẵng cũng là vấn đề chung của thành phố.
“Chỉ trong 2 năm, địa phương đã giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan đến dự án bằng thời gian của 20 năm qua. Thành phố đã thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư. Đây là việc làm chưa từng có và cũng không có trong các luật liên quan. Nhưng nhờ vậy, đã giải quyết được câu chuyện “con gà – quả trứng” để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”, ông Quảng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, không thể chậm trễ hơn nữa với dự án Làng đại học Đà Nẵng. Bộ trưởng mong muốn Đà Nẵng hỗ trợ một số hạng mục có liên quan đến Dự án này. Thành phố cũng phải tính đến hạ tầng làm sao đáp ứng được những dịch vụ có liên quan cho hàng ngàn sinh viên khi quy mô của ĐH Đà Nẵng được mở rộng.