Chiều 15/5, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức khảo sát thực tế công tác quản lý giáo dục khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần hoàn thiện xây dựng Luật Nhà giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 638 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học (trong đó có 56 trường tư thục) với tổng số 394.571 trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên.
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhân viên trường học có 24.780 người, trong đó 20.230 giáo viên, giảng viên.
Các cơ sở giáo dục hiện đang đặt trụ sở tại 171 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, các cơ sở giáo dục sẽ được bố trí trên địa bàn của 51 đơn vị hành chính cấp xã (theo Phương án 1: 27 phường, 21 xã, 3 đặc khu).
Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trong toàn tỉnh hiện có 11.765 phòng học, trong đó 11.272 phòng kiên cố (95,8%).
Hiện có 569/619 (91,9%) trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tại các trường này cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo quy định.
Trong giai đoạn 2023-2025, ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện bố trí hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học và mua sắm thiết bị dạy học…
Để thực hiện chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, toàn tỉnh cần đầu tư xây dựng bổ sung 859 phòng học để đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy 2 buổi/ngày (đảm bảo 1 lớp/phòng), gồm: 439 phòng học mầm non, 110 phòng học Tiểu học, 310 phòng học THCS.
Hiện toàn tỉnh có 77 cơ sở giáo dục có nhà công vụ giáo viên với tổng số 314 phòng, đáp ứng trên 80% nhu cầu của giáo viên, bao gồm cả nội trú và bán trú.
Năm 2025, các địa phương đang triển khai xây dựng mới nhà công vụ giáo viên tại 18 cơ sở giáo dục, cải tạo, sửa chữa nhà công vụ giáo viên ở 31 cơ sở giáo dục khác.
Hiện có 12 Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định 8 chính sách, nhóm chính sách đặc thù về giáo dục đào tạo đang thực hiện trên địa bàn tỉnh. Phạm vi tác động của các Nghị quyết bao gồm toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học); đối tượng thụ hưởng bao gồm cả người học (trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên), cả người dạy (giáo viên, giảng viên) và cơ sở giáo dục; mục đích của chính sách bao gồm cả việc hỗ trợ và khuyến khích/thưởng…
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Dự thảo Luật nhà giáo đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tổng hợp ý kiến của các cấp, các ngành và ý kiến tham gia của đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo hướng nhất trí cơ bản dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó thống nhất tập trung đầu mối, giao cho ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm đào tạo bồi dưỡng nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, phù hợp thực tiễn công tác quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Bà Hạnh đề nghị Ủy ban Văn hóa và Xã hội, đại biểu Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp các cơ quan, ban ngành Trung ương nghiên cứu đồng bộ Luật Nhà giáo với các Dự án luật có liên quan, làm cơ sở triển khai thực hiện Luật Nhà giáo được thuận lợi ngay sau khi Quốc hội ban hành.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hướng dẫn việc sắp xếp các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện sau khi chuyển về Sở GD&ĐT quản lý, kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ theo khu vực liên xã, phường; Nghiên cứu chuyển các trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện hiện nay về trực thuộc Sở GD&ĐT để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn liên xã dân tộc thiểu số và miền núi, trên cơ sở đó hình thành hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú theo chủ trương tại Thông báo số 177-TB/VPTW;
Hướng dẫn cụ thể việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo quy định tại Thông tư số 14/2024/TT-BGDĐT, làm cơ sở đặt hàng, giao nhiệm vụ, thực hiện tự chủ đối với cơ sở giáo dục, góp phần giải quyết việc thiếu người làm việc do chỉ tiêu biên chế giao thấp hơn định mức quy định.
Đề nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo sớm tham mưu Chính phủ ban hành danh mục thôn, xã đặc biệt khó khăn; thôn, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi sau khi sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, làm cơ sở để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo và người học ở vùng này.
Cơ bản thống nhất việc bổ nhiệm sẽ do Sở GD&ĐT tạo đảm nhiệm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Dự thảo Luật Nhà giáo cơ bản được Quốc hội thống nhất, việc tuyển dụng, điều tiết, bổ nhiệm, luân chuyển sẽ do Sở giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm.
“Trong thời điểm đang sắp xếp đơn vị hành chính, cố gắng giảm thiểu rủi ro phát sinh. Duy trì ổn định các hoạt động dạy và học. Chúng ta phải bình tĩnh ứng phó để làm tốt công việc”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, bước đầu tiên sẽ vận hành như hiện trạng, những gì đang làm thì tiếp tục làm. Khi cấp xã hình thành, đi vào hoạt động trơn tru, lúc đó bắt đầu rà soát.
Khi phân chia trách nhiệm giữa cấp sở và xã, cũng theo nguyên tắc quản lý nhưng không cứng nhắc.