Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi 5 vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo

01/11/2023, 15:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng1/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi 5 vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Không thể “tay không bắt Chip được”

Trước khi phát biểu làm rõ một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.

Hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nhiều ý kiến quan tâm đến đổi mới giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; tài chính giáo dục, thừa thiếu giáo viên và chế độ chính sách nhà giáo

Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp chip bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại, Báo cáo của Chính phủ có đề cập, dự báo từ nay đến năm 2030, ngành công nghiệp chíp bán dẫn sẽ cần đến 50.000 đến 100.000 nhân lực.

Bộ GD&ĐT nhận thấy, đây là trọng trách, sứ mệnh để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước và đổi mới các đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã nhận chỉ đạo của Thủ tướng, lên kế hoạch để triển khai trong lĩnh vực này; trong đó ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Bộ trưởng cho hay, hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc gần đối với lĩnh vực này. Trong đó, các lĩnh vực gần như: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Đấy là những lĩnh vực mà sinh viên có chuyển đổi học tập. Từ đó, có thể có ngay những nhân lực đảm nhiệm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các trường đại học cũng tổ chức mạng lưới, cùng chia sẻ kinh nghiệm, thiết kế chương trình đào tạo.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Ngày 19/10 tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị nhằm triển khai một số công việc quan trọng liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin và cho biết, Bộ đang tăng cường điều kiện từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất để có thể đảm nhiệm được công việc này.

Bộ GD&ĐT đã ký hiệp định với Intel và với nhiều các doanh nghiệp để xác định chính xác nguồn nhân lực, tránh việc chúng ta đào tạo ào ạt, rồi lại thừa. Dự kiến năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trong lĩnh vực trực tiếp thiết kế vi mạch bán dẫn.

Các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển khoảng trên 7.000 sinh viên và mỗi năm sẽ tăng dần từ 20% đến 30%. Với sự tập trung cao độ, giải quyết các vướng mắc, dự kiến đến năm 2030 con số dự kiến từ 50.000 đến 100.000 nhân lực có thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây là lĩnh vực công nghệ cao nên cũng đòi hỏi cao. Mong rằng, cần phải có sự đầu tư cao, nếu không thì không thể “tay không bắt Chip được”.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt

Trao đổi về vấn đề thừa thiếu giáo viên, Bộ trưởng chia sẻ, đến thời điểm hiện tại cả nước còn thiếu hơn 127.500 giáo viên. Con số này gia tăng không ngừng vì số lượng học sinh đầu năm học vừa rồi tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên nghỉ chuyển việc vẫn diễn ra. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có trên 17.200 giáo viên nghỉ, chuyển việc.

“Năm trước, Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Nội vụ xác định chỉ tiêu cho các tỉnh để tuyển giáo viên. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành Nội vụ, hiện vẫn còn hơn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. Có nhiều lí do, có nơi để dành để cắt giảm 10% biên chế, nhưng cũng có nơi không có nguồn tuyển” – Bộ trưởng cho hay.

Đến nay, ngoài giáo viên những môn học mới đang trong quá trình đào tạo thì giáo viên mầm non dù nguồn tuyển có nhưng không có người ứng tuyển. Nguyên nhân, một phần là do lương thấp, áp lực lớn nên không có người ứng tuyển.

Cần sớm có điều chỉnh về lương, chế độ chính sách cho giáo viên.
Cần sớm có điều chỉnh về lương, chế độ chính sách cho giáo viên.

Bộ trưởng nhìn nhận, đây là vấn đề lớn, cần đưa ra các giải pháp, một mặt vừa chuẩn bị nguồn tuyển nhưng cũng cần sớm có điều chỉnh về lương, chế độ chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi và các giải pháp khác đồng bộ khác.

Trong 3 năm qua, các địa phương đã sắp xếp và đã giảm được hơn 3.000 điểm trường. “Đây là con số đáng kể, qua đó có thể chăm sóc, giáo dục trẻ em tốt hơn nhưng cũng không thể tăng mãi việc sắp xếp điểm trường” – Bộ trưởng nói và cho biết, ngành Nội vụ xác định, năm học 2023-2024 giao thêm trên 27.800 chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương.

Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến, báo cáo Chính phủ có nhận định “sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu”. Đây là nhận định mà ngành Giáo dục xác định là đòi hỏi cao, rất trách nhiệm của Chính phủ. Dù đã làm được nhiều việc nhưng ngành Giáo dục vẫn phải làm tốt thêm và toàn ngành đang cố gắng để thực hiện tốt.

Vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong Nghị quyết giám sát đã ghi nhận, hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ uy tín, kinh nghiệm.

Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Từ năm 2020 đến nay, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản, với tổng số lượng 194 triệu bản sách. “Như vậy, đây là ghi nhận sự cố gắng với toàn ngành Giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách giáo khoa” – Bộ trưởng nhìn nhận.

Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về tài chính chi cho đổi mới giáo dục, Bộ trưởng viện dẫn, con số đưa ra trong báo cáo là 213.449 tỷ. Đây là con số thống kê cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Còn con số trực tiếp chi cho đổi mới giáo dục bao gồm: biên soạn chương trình, thẩm định sách giáo khoa, tập huấn cho giáo viên toàn quốc, tổng chi phí là 395,2 tỷ đồng.

Một số đại biểu quan tâm đến Nghị quyết của đoàn giám sát có liên quan tới việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới.

“Vấn đề được giao, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất và cố gắng trong 1- 2 năm tới khi một chu trình đổi mới đã được hoàn tất, Bộ sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau” – Bộ trưởng trao đổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi 5 vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo