Với Hà Nội và TP HCM, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần phải quản lý, siết chặt quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. "Nếu không kiểm soát quy hoạch đô thị, vùng trung tâm, đô thị lõi tiếp tục mọc lên các khu đô thị, nhà cao tầng thì nguy cơ ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn"- ông Nguyễn Văn Thắng lo ngại.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 8-6
Theo Bộ trưởng GTVT trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị, dù Hà Nội và TP HCM rất cố gắng nhưng hiện nay chỉ dành được 8-9% quỹ đất cho giao thông, trong khi đó mục tiêu đặt ra từ 16-26% trong đất đô thị. Đặc biệt là giao thông tĩnh, quỹ đất cho bãi đỗ xe ở hai thành phố này cũng rất khiêm tốn.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng nêu rõ giao thông công cộng rất cần thiết cho các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. "Việc phát triển giao thông công cộng cho 2 TP này là rất cấp thiết" - ông Nguyễn Văn Thắng nói và cho biết thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với hai thành phố này phát triển giao thông công cộng, đặc biệt trong đó là đường sắt đô thị.
"Tôi rất bất ngờ khi sau 19 tháng vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, hàng ngày có từ 31.000 - 33.000 người đi trên tuyến, cao điểm 55.000 người/ngày. 80% người đi đều mua vé cố định. Sắp tới, TP HCM cũng sẽ đưa vào khánh thành 1 tuyến. Do đó, việc thúc đẩy tiến độ đường sắt đô thị cần quan tâm hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Bên cạnh việc phát triển giao thông công cộng, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, Hà Nội và TP HCM cần sắp xếp mở rộng không gian ra bên ngoài, làm đường Vành đai 3 và 4 quyết liệt, mạnh mẽ để có các tuyến tránh, giúp các phương tiện không cần đi vào nội đô mà sử dụng các tuyến tránh.
Ngoài các giải pháp như vừa nêu, tư lệnh ngành GTVT cho rằng nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng áp dụng các biện pháp để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô. Trong đó, có những biện pháp mà Việt Nam đang bàn luận như phân loại phương tiện vào nội đô theo ngày chẵn, lẻ. Giải pháp này đang được TP Bắc Kinh (Trung Quốc) áp dụng.