Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất bỏ xếp hạng giáo viên hạng I, II, III kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để nhà giáo gắn bó và cống hiến với nghề.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó, nhà giáo ở các trường mầm non đến đại học không còn dùng khái niệm “hạng” để xếp lương. Cụ thể, chức danh nhà giáo là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục xây dựng đề án vị trí việc làm; thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh.
Mỗi chức danh nhà giáo được phân loại như sau: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp; trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả GS và PGS).
Bày tỏ sự đồng tình với nội dung trên, cô Phạm Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Púng Luông (Mù Cang Chải, Yên Bái) cho biết, đây là đề xuất phù hợp thực tế và xu hướng phát triển của xã hội. Toàn trường hiện có hơn 20 thầy cô, đa số là giáo viên hạng III. Do chia hạng nên ít nhiều có sự chênh lệch về lương giáo viên. Ví dụ, giáo viên tiểu học hạng III có hệ số lương từ 2,34 - 4,98; hạng II từ 4,0 - 6,38; hạng I từ 4,4 - 6,78. Nếu bỏ xếp hạng giáo viên sẽ loại bỏ bất cập về tiền lương.
Cô Nguyễn Thị Trang - giáo viên trường học ở ngoại thành Hà Nội cho rằng, hệ thống xếp hạng giáo viên hiện hành dựa trên các tiêu chí như thâm niên, bằng cấp, kết quả đánh giá năng lực... Tuy nhiên, điều này bộc lộ nhiều bất cập, có nơi xảy ra tình trạng phân biệt đối xử và ảnh hưởng đến tâm lý, động lực của giáo viên.
Dự thảo Luật Nhà giáo mới đề xuất thay thế hệ thống xếp hạng giáo viên bằng g đánh giá năng lực định kỳ. Theo đó, giáo viên sẽ được đánh giá năng lực theo các tiêu chí cụ thể, khách quan và thống nhất. Việc đánh giá thực hiện định kỳ và kết quả được sử dụng làm căn cứ để xét thăng tiến, bổ nhiệm và trả lương cho giáo viên. Cô Trang đánh giá đây là cải tiến quan trọng trong sử dụng và quản lý nhà giáo của các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay.
Chia hạng giáo viên mầm non, phổ thông thời gian qua tồn tại một số bất cập, cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) bày tỏ quan điểm và cho hay: Thực tế khi có giáo viên giỏi, chuyên môn tốt ở hạng thấp do thiếu điều kiện dự thi như sinh con thứ 3, hoặc lý do nào đó không tham gia dự thi thăng hạng được… Điều này vô hình trung giảm động lực làm việc của nhà giáo.
Tuy nhiên, cô Hằng Hải lưu ý, khi bỏ xếp hạng giáo viên thì ngành Giáo dục cần có chính sách, nghiên cứu, tiêu chí cụ thể trong sắp xếp vị trí việc làm cho nhà giáo đảm bảo khách quan, công bằng, phát huy được phẩm chất và năng lực chuyên môn. Nếu bỏ xếp hạng, nhiều giáo viên trẻ có hệ số từ 3,33 có thể lên 4,0 và như vậy thu nhập được cải thiện rõ rệt.
Thầy Nguyễn Văn Đức trong giờ dạy Toán tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: TG |
Vào ngành từ năm 2015, cô Phen Eya - Tổ trưởng chuyên môn khối Lá, Trường Mầm non Eatling (Cư Jút, Đắk Nông) hiện là giáo viên hạng III. Cùng một môi trường làm việc, khối lượng công việc vất vả như nhau nhưng nếu chia hạng thì giáo viên mầm non có sự chênh lệch đáng kể về lương.
“Tôi thấy hợp lý nếu bỏ xếp hạng giáo viên. Nhà giáo sẽ được đánh giá năng lực theo các tiêu chí cụ thể, khách quan và thống nhất gồm thành tích học tập của học sinh, chất lượng bài giảng, phản hồi từ người học và phụ huynh; năng lực và kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; đạo đức nghề nghiệp, thái độ ứng xử, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Khi đó, bản thân mỗi nhà giáo sẽ tự nâng cao chất lượng giảng dạy và yên tâm cống hiến”, cô Phen Eya nói thêm.
Chung quan điểm trên, thầy Nguyễn Văn Đức - giáo viên Toán, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ, đây là tin vui với nhiều giáo viên trẻ, kể cả sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp ra trường. Thay vì phải chờ nhiều năm mới thi lên hạng và nhận mức lương cao hơn thì sắp tới, các thầy cô giáo trẻ chỉ cần đáp ứng được yêu cầu công việc, có nghiệp vụ tốt và đảm bảo một số tiêu chí về đánh giá năng lực sẽ nhận được mức lương xứng đáng.
Ở góc nhìn khác, GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất bỏ xếp hạng giáo viên hạng I, II, III không có nghĩa tạo ra sự “cào bằng”. Mỗi nhà giáo cần có động lực trau dồi, phát triển nghề nghiệp và thăng tiến. Muốn tạo động lực cho nhà giáo cần căn cứ nhiều yếu tố, đặc biệt chất lượng chuyên môn của thầy cô. Quá trình đánh giá năng lực nhà giáo phải làm khách quan, đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.
Cũng theo GS.TS Đinh Quang Báo, từ ngày 1/7, khi thực hiện chính sách tiền lương mới, giáo viên là viên chức được xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp, áp dụng chung với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức thực hiện.
Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, đối với giáo viên viên chức sẽ được bổ nhiệm từ hạng I, II, III đang hưởng theo các Thông tư 01 đến 04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT) sang lương mới với nhiều bậc lương khác nhau từ ngày 1/7.
Như vậy, bảng lương mới không còn dùng khái niệm “hạng”, nhưng đối với chức danh nghề nghiệp vẫn có nhiều bậc lương, giáo viên khi công tác đủ thời gian, hoàn thành nhiệm vụ vẫn có thể được xét tăng lương thường xuyên, trước niên hạn.