Bồi đắp cho trò tình yêu môn Sử

Hiếu Nguyễn | 29/04/2022, 08:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Điều quan trọng nhất để giữ vững vị thế của môn Lịch sử, theo ý kiến các giáo viên dạy môn học này, là phải làm sao để lịch sử hấp dẫn hơn, khiến học sinh yêu thích môn học.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) ghép tranh và thuyết trình về trận chiến năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Có yêu trò mới học nghiêm túc

Là giáo viên giảng dạy Lịch sử 12 năm ở môi trường công lập và ngoài công lập tại Hà Nội, cô Trần Thị Hội khẳng định: Không chỉ Lịch sử, mà bất cứ môn học nào cũng vậy, học trò có yêu thì mới học, có thiếu mới có nhu cầu bổ sung. Nhưng làm sao để học sinh yêu môn Lịch sử, để môn học này hấp dẫn hơn cần tác động toàn diện, đồng bộ đến nhiều yếu tố.

Đối với giáo viên, với vai trò là người truyền lửa, cảm hứng và say mê đòi hỏi trách nhiệm lớn lao và phải nỗ lực rất nhiều.

Từ kinh nghiệm bản thân, cô Trần Thị Hội cho biết cách mình dạy học Lịch sử khiến học trò hứng thú không quá cầu kỳ. Đó là kể những câu chuyện lịch sử và luôn liên hệ với thực tế cuộc sống; áp dụng được những bài học của quá khứ vào hiện tại. Từ đó, học sinh thấy lịch sử gần gũi, biết yêu, ghét và có quan điểm rõ ràng khi nhìn nhận quá khứ và hiện tại, thậm chí là định hướng tương lai.

Ví dụ: Khi dạy về Cuộc kháng chiến chống quân Tống lần 1, cô Hội sẽ kể cho học trò nghe về câu chuyện “Thái hậu Dương Vân Nga trao áo bào cho Lê Hoàn”. Thông qua đó, cô giải thích tại sao Lê Hoàn lên ngôi vua; trong tình thế đất nước bị giặc ngoại xâm thì đối sách của một vị hoàng hậu của triều Đinh như thế nào, và làm rõ công lao “gạt lợi ích dòng tộc để đặt lợi ích dân tộc lên trên hết của Thái hậu Dương Vân Nga”; nhấn mạnh tài trí và công lao của Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống lần 1.

Ngoài nỗ lực của bản thân, để nâng cao vị thế môn Lịch sử cũng như tăng cường hiệu quả dạy học lịch sử trong nhà trường, cô Hội mong mỏi các cấp, ngành nên có những quan điểm, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp; đặc biệt là quan tâm đến vai trò nòng cốt là giáo viên.

Với cô Nguyễn Thị Thuỷ, giáo viên Lịch sử Trường THPT Triệu Quang Phục (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), để học sinh yêu thích lịch sử, hào hứng với môn Lịch sử, trước hết sách giáo khoa phải cô đọng, hấp dẫn hơn.

Giáo viên cần tự nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư vào bài giảng, thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin vào giảng dạy. Việc thầy cô tích cực đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, tổ chức đa dạng các hình thức tổ chức dạy học rất quan trọng.

Trong giờ dạy, giáo viên nên để học sinh trao đổi, thảo luận về một nhân vật, sự kiện nào đó hơn là chỉ ghi chép. Khi tạo được không khí tranh luận sôi nổi thì việc dạy lịch sử sẽ hấp dẫn và học sinh sẽ thích học.

Bên cạnh dạy học trên lớp, giáo viên kết hợp với việc cho học sinh tham quan bảo tàng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và qua việc trình chiếu các bộ phim lịch sử hấp dẫn. Học sinh sẽ được học tập trải nghiệm, sáng tạo.
Ngoài ra, trong các bài dạy, giáo viên cần liên hệ thực tiễn, truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Khi học sinh hiểu bài và có cảm hứng sẽ thích thú học tập.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/boi-dap-cho-tro-tinh-yeu-mon-su-wBDpVrw7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/boi-dap-cho-tro-tinh-yeu-mon-su-wBDpVrw7R.html
Bài liên quan
Điều chỉnh phương pháp dạy và học từ đề tham khảo môn Lịch sử
Một trong những ghi nhận của giáo viên về đề tham khảo môn Lịch sử, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là không hỏi những chi tiết phải nhớ quá máy móc, như: ngày, tháng, các số liệu, diễn biến chi tiết,…

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bồi đắp cho trò tình yêu môn Sử