Bồi đắp tình yêu lịch sử cho học sinh từ thay đổi của thầy cô, nhà trường

Hồ Lài | 15/05/2022, 17:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo thầy Nguyễn Đình Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực (Nghệ An), lịch sử - suy cho cùng cũng là câu chuyện về quá khứ - phải làm cho học sinh có hứng thú, đam mê tìm hiểu những gì đã qua.

Trường THPT Phan Thúc Trực (huyện Yên Thành, Nghệ An) bồi đắp kiến thức, tình yêu lịch sử cho học sinh qua dạy học và hoạt động lồng ghép.Trường THPT Phan Thúc Trực (huyện Yên Thành, Nghệ An) bồi đắp kiến thức, tình yêu lịch sử cho học sinh qua dạy học và hoạt động lồng ghép.

Tiếp cận lịch sử theo chiều sâu

Thầy Nguyễn Đình Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho hay, qua nghiên cứu các SGK Lịch sử lớp 10 có một số điểm mới so với chương trình hiện hành.

Cụ thể, SGK chương trình 2006 được cấu trúc tách riêng 2 phần riêng biệt: Lịch sử thế giới (trước) và Lịch sử Việt Nam (sau). SGK mới thì cấu trúc tuần tự từ Lịch sử thế giới đến khu vực, đến Việt Nam và sau cùng là phần địa phương. Bên cạnh đó, SGK ngoài kênh chữ còn có kênh hình phong phú. Hệ thống các câu hỏi hướng tới việc phát triển năng lực học sinh theo cấp độ từ thấp đến cao, từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng.

Những đổi mới trên chắc chắn sẽ làm thay đổi phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động dạy học. Trước hết, nội dung chương trình SGK Lịch sử mới đi sâu vào chủ đề chuyên đề, giáo viên cần phải nghiên cứu sâu mới dạy được.

Thầy Nguyễn Đình Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Mặt khác, theo chương trình GDPT 2018, bậc THPT là giáo dục định hướng, điều này cũng thay đổi nhiệm vụ của học sinh cấp 3. Ngoài môn bắt buộc, những môn khác các em tự chọn theo định hướng mục tiêu nghề nhiệp sau này. Với môn Lịch sử cũng vậy.

Điều này đòi hỏi giáo viên không thể dạy học truyền thụ kiến thức như truyền thống, mà còn phải đi vào hướng nghiệp cho học sinh. Nội dung môn Lịch sử ở tiểu học là câu chuyện, ở THCS là trải rộng, còn THPT là gói gọn lại, đi vào chuyên sâu, cụ thể, phong phú hơn.

"Sách giáo khoa Lịch sử mới theo tôi thấy rất hay, không nặng về tính sự kiện ghi nhớ. Quan trọng là giáo viên có thực hiện được theo mục tiêu “lấy người học làm trung tâm” hay không.

Điều băn khoăn là với việc đổi mới trong sắp xếp nội dung kiến thức, phương pháp dạy học Lịch sử, thì cùng với đó có thay đổi trong cách thức thi cử hay không. Tôi mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh trong tổ chức thi, ra đề môn Lịch sử để phù hợp với cách dạy học theo chương trình mới", thầy Phúc chia sẻ.

Chuẩn bị phương án bồi đắp Lịch sử cho tất cả học sinh

Hiện Trường THPT Phan Thúc Trực đã gửi kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch dự kiến bố trí môn học các nhóm lớp cho các trường THCS trên địa bàn tuyển sinh. Đối với môn Lịch sử, thông qua giáo viên chủ nhiệm các lớp 9, và Trường THCS để khảo sát sơ bộ nguyện vọng của các em trong việc lựa chọn. Số lượng này chỉ là bước đầu để trường có cơ sở xây dựng cơ cấu các lớp học trong việc bố trí các môn học lựa chọn.

Để chuẩn bị cho dạy học Lịch sử sắp tới nói riêng và chương trình lớp 10 nói chung, Trường THPT Phan Thúc Trực đã có sự chuẩn bị. Cụ thể, nhà trường sẽ sắp xếp lại đội ngũ, cân đối số tiết dạy tổng thể của môn học cả 3 khối để bố trí hợp lý, phân công các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán, có năng lực chuyên môn vững vàng dạy khối 10.

Mục đích là tiếp cận chương trình mới đảm bảo chất lượng, đồng thời qua quá trình giảng dạy có thể đúc kết kinh nghiệm để tư vấn cho lãnh đạo trường trong tổ chức, bố trí dạy học, trao đổi lại với đồng nghiệp cho quá trình dạy học các năm sau.

Trong sinh hoạt chuyên môn cũng cần có những nội dung mới, song song với việc sinh hoạt, trao đổi chương trình 2006 đối với các lớp khối 11, 12 thì nhóm giáo viên dạy chương trình 2018 cho khối lớp 10 phải có sinh hoạt riêng, chuyên đề để một mặt chia sẻ những khó khăn trong thực hiện chương trình, đồng thời chia sẻ thông tin phản hồi từ học sinh.

Học sinh Trường THPT Phan Thúc Trực tham gia dọn dẹp, vệ sinh và thắp hương tại khu di tích lịch sử quốc gia tại xã Mỹ Thành - nơi thực dân Pháp xử bắn 72 chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh trong phong trào cách mạng 1930- 1931.

Bởi ở cấp THCS, các em được học môn Lịch sử thiết kế theo chương trình 2006, song lên lớp 10, nội dung, phương pháp, cách tiếp cận môn Lịch sử lại có sự đổi mới. Do vậy, năm học đầu tiên thực hiện chương trình, không những môn Lịch sử mà các môn học khác đều phải có những buổi sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm. Việc xây dựng chương trình nhà trường cho từng môn học cũng phải được thực hiện sớm trong tháng 8.

Đối với các lớp không lựa chọn môn học Lịch sử thì trong xây dựng chương trình nhà trường, các nội dung về giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm nên lồng ghép đưa vào những nội dung cốt lõi, phù hợp với nội dung tích hợp.

Về vấn đề này, nhà trường đã tính đến và trong năm học tới sẽ họp chuyên môn tổ Khoa học xã hội cũng như bộ môn Lịch sử để xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể, chi tiết cho từng năm. Ví dụ, nội dung nào đưa vào phần chương trình giáo dục địa phương, kiến thức nào sẽ tích hợp trong các môn học liên quan khác, và những vấn đề gì đưa vào hoạt động trải nghiệm.

Bồi đắp tình yêu nước không chỉ của riêng môn Lịch sử

Theo thầy Nguyễn Đình Phúc, môn Lịch sử là môn quan trọng, đặc thù nhằm giáo dục tư tưởng, lòng tự hào về lịch sử dân tộc, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Tuy nhiên, ngoài môn Lịch sử, còn có rất nhiều môn học, hoạt động khác để bồi đắp tình yêu lịch sử cho học sinh như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…

Học sinh THPT bước vào độ tuổi bắt đầu định hình phong cách, tư tưởng, giá trị sống. Vì vậy, cấp THPT hiện nay mới được xây dựng thành giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Trong giai đoạn này, giáo viên có vai trò quan trọng trong truyền cảm hứng, tình yêu lịch sử, và phương pháp học tập, tìm hiểu kiến thức cho học sinh.

Học sinh THCS huyện Yên Thành, Nghệ An thăm Khu lưu niệm niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Vĩnh Thành.

Kiến thức lịch sử được dạy trong hệ thống các cấp học ở nhà trường phổ thông là cơ bản, phản ánh được những nội dung cốt lõi của tiến trình lịch sử. Dĩ nhiên, kiến thức lịch sử không chỉ được trang bị, học tập ở nhà trường. Trong thời đại thông tin ngày nay, kiến thức lịch sử được phổ cập, mọi người có thể tìm hiểu ở nhiều nguồn.

Chỉ có điều, những kiến thức lịch sử đó thường được tiếp cận một cách “đứt đoạn”, từng sự kiện riêng lẻ, có khi sự tìm hiểu đó chỉ mang tính “tò mò” nên việc hiểu biết đầy đủ, trọn vẹn thường khó khăn.

Điều này đặt ra vấn đề vai trò, trách nhiệm quan trọng của giáo viên là truyền cảm hứng, định hướng, hình thành phương pháp tư duy khoa học, tự học, tự đọc đúng đắn cho học sinh

Trường THPT Phan Thúc Trực đã có nhiều giải pháp, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, quan tâm thiết thực đến các hoạt động thực tiễn để giáo dục như: Tìm hiểu về danh nhân trường mang tên ngay tại đền thờ của cụ Phan Thúc Trực (cách trường 1,5km). Lồng ghép các nội dung của lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương (tỉnh) với chính vùng đất các em đang sinh sống ở những sự kiện có liên quan. Tổ chức cho các lớp kết nạp Đoàn viên chăm sóc, quét dọn, dâng hương các các khu di tích lịch sử. Hàng năm, nhà trường, Đoàn Thanh niên đều có những hoạt động này tại Khu di tích lịch sử Quốc gia, xã Mỹ Thành (cách trường 3km), nơi thực dân Pháp xử bắn 72 chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh trong phong trào cách mạng 1930- 1931.

“Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng chương trình nhà trường với nội dung lịch sử địa phương một cách thiết thực. Bởi xây dựng tình yêu với lịch sử quê hương đất nước phải bắt đầu từ những tình cảm thân yêu trong gia đình, dòng họ, làng xóm… Giáo dục lịch sử địa phương là để các em hiểu hơn về vùng đất mình đang sống, để tự hào và để có trách nhiệm xây dựng, vun đắp”, thầy Nguyễn Đình Phúc nói.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường TPHT Phan Thúc Trực, lịch sử địa phương đã được triển khai trong chương trình nhà trường, đã có tính “địa phương”, song chưa thực sự hấp dẫn. Lý do cách viết lịch sử địa phương vẫn còn theo lối mòn, chưa làm rõ tính riêng biệt của địa phương này với địa phương khác, cơ bản vẫn dựa vào đường chỉ dẫn của lịch sử dân tộc để viết. Những nét bản sắc địa phương chưa rõ. Trong kiểm tra, đánh giá, thi cử gần như không có nội dung phần này, do vậy, ở một góc độ nào đó, học sinh chưa thực sự quan tâm.

"Lịch sử, suy cho cùng cũng là câu chuyện về quá khứ, phải làm cho các em có hứng thú, đam mê tìm hiểu những gì đã qua. Không quá nặng nề về kiến thức sách vở, hãy tìm hiểu những câu chuyện đời thực, những nhân vật lịch sử liên quan đến sự kiện để làm phong phú tư liệu. Thực tế giảng dạy chúng tôi nhận thấy, những câu chuyện tư liệu mà chúng tôi chia sẻ hấp dẫn các em hơn nhiều những con số của SGK", Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực cho hay.

Bài liên quan
Khánh thành tượng đài V.I.Lênin ở Nghệ An
Tượng đài V.I.Lênin đặt tại TP Vinh thể hiện tình cảm, sự gắn bó của Nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk (Liên bang Nga)

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bồi đắp tình yêu lịch sử cho học sinh từ thay đổi của thầy cô, nhà trường