Bốn khía cạnh trọng yếu trong hợp tác nhà trường - doanh nghiệp

26/05/2023, 19:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 26/5, Bộ GD&ĐT và Cơ quan phát triển quốc tế Úc (Australian Aid) đã phối hợp tổ chức diễn đàn phát triển hợp tác nhà trường - doanh nghiệp.

Diễn đàn được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong bối cảnh hiện nay việc hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong đảm bảo đầu ra việc làm cho sinh viên. Theo thứ trưởng, điều này tuy không mới và các trường đã và đang làm rất mạnh mẽ trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn cần có những đúc kết kinh nghiệm, chia sẻ để cái "bắt tay" giữa nhà trường - doanh nghiệp được hiệu quả hơn.

Cần chú trọng 4 khía cạnh trọng yếu trong hợp tác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, cả nhà trường và doanh nghiệp cần lưu ý bốn khía cạnh chính trong hợp tác với nhau.

Thứ nhất là hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ trường ĐH. Từ lúc xây dựng chương trình đào tạo, các doanh nghiệp cần trực tiếp tham gia góp ý. Khi triển khai đào tạo, các trường cũng cần gắn kết chặt chẽ trong việc hợp tác sử dụng phòng thí nghiệm cho sinh viên tiếp xúc thực tế, thực tập. Sự tương tác này cũng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nhân sự.

Thứ hai, các trường đại học những năm gần đây đã rất quan tâm giới thiệu cơ hội việc làm tốt nhất cho sinh viên. Mỗi trường đều có mạng lưới quan hệ doanh nghiệp rộng rãi để giới thiệu việc làm cho người học. Hiện nay tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là chỉ tiêu quan trọng trong công tác đánh giá chất lượng các trường đại học, vì vậy cần quan tâm mạnh mẽ hơn. Nhiều trường đại học, ví dụ như ở Úc, đã thực hiện rất tốt. Việc này rất quan trọng để chúng ta không đào tạo bỏ xa và lạc hậu so với thực tế.

Bốn khía cạnh trọng yếu trong hợp tác nhà trường - doanh nghiệp ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại diễn đàn.

Thứ ba là hợp tác doanh nghiệp trong nghiên cứu ứng dụng chuyển giao và hỗ trợ khởi nghiệp. Đây là vấn đề theo thứ trưởng cả hai phía cần kết hợp chặt chẽ bởi hiện nay việc nghiên cứu chuyển giao và thành lập doanh nghiệp của các trường đại học còn hạn chế. Hiện cũng có một số trường đã bắt đầu quan tâm tới hoạt động này, không chỉ trường công lập mà cả tư thục, với những cách làm hiệu quả.

Thứ tư, hợp tác nhà trường và doanh nghiệp là thực hiện sứ mạng chung trong phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội nói chung. Trên thế giới có những doanh nghiệp thành công quay lại hiến tặng, đóng góp các loại quỹ khác nhau, cùng với nhà trường thực hiện nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng và thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước. Hiện nay mảng này chúng ta chưa làm được nhiều nhưng hy vọng sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Thống kê của Bộ GD&ĐT về tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng từ năm 2018-2021 đối với 22 lĩnh vực đào tạo cũng cho thấy rõ sự dịch chuyển khi sự hợp tác giữa nhà trường – doanh nghiệp tốt hơn.

Theo đó, lĩnh vực đào tạo nông, lâm nghiệp và thủy sản; môi trường và bảo vệ môi trường; sản xuất và chế biến, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, nghệ thuật, sức khỏe, dịch vụ xã hội... duy trì tỉ lệ sinh viên có việc làm ở mức cao.

Riêng ngành môi trường và bảo vệ môi trường, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng tăng dần theo thời gian, trong năm 2021 là 96,3%. Ở nhiều lĩnh vực khác, tỉ lệ sinh viên có việc làm cũng ở mức rất tốt, từ 82,5% trở lên.

Liên kết không dừng lại ở tạo ra việc làm

Bộ GD&ĐT cho rằng để đào tạo đại học gắn với nhu cầu của thị trường lao động thì công tác quy hoạch nhân lực là yếu tố có tính quyết định. Do đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện các quy định về nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và công tác đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Bốn khía cạnh trọng yếu trong hợp tác nhà trường - doanh nghiệp ảnh 2

Quang cảnh diễn đàn phát triển hợp tác nhà trường - doanh nghiệp.

TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT nhìn nhận về sự tiến bộ này của các trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm và thúc đẩy.

“Để đánh giá chất lượng một cơ sở giáo dục đại học có nhiều tiêu chí khác nhau nhưng tôi cho rằng tiêu chí quan trọng là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Không thể nói một cơ sở giáo dục đại học uy tín mà tỉ lệ có việc làm của sinh viên thấp. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam tỉ lệ này ở một số lĩnh vực đào tạo chưa cao.

Nguyên nhân đến từ cả hai phía, phía cơ sở đào tạo và cả thị trường lao động. Trong đó, về phía đào tạo chưa đáp ứng hết các yêu cầu của doanh nghiệp, nhiều kỹ năng mà doanh nghiệp cần mà sinh viên không đáp ứng được. Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp nhiều nơi dù số lượng không nhỏ nhưng hiệu quả chưa cao" - TS Nghệ nói.

PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng hoạt động liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc hướng nghiệp và tuyển dụng mà mở rộng các hợp tác nghiên cứu phát triển, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao nghiệp vụ nghề nghiệp, đồng hành cùng các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của cán bộ và sinh viên.

“Thời gian qua Nhà trường rất coi trọng liên kết đại học - doanh nghiệp. Mạng lưới đối tác công nghiệp của Trường ĐH Bách khoa TPHCM gồm khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trường cũng đã ký hơn 200 thoả thuận đối tác trong và ngoài nước. Nhà trường đã và đang nỗ lực tìm kiếm, xây dựng và triển khai nhiều hợp tác sâu, rộng và tích cực, hiệu quả với các doanh nghiệp" - PGS.TS Mai Thanh Phong nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bốn khía cạnh trọng yếu trong hợp tác nhà trường - doanh nghiệp