Bột màu vô cơ made in Việt Nam

Nhật Chi | 03/05/2022, 08:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

PGS.TS La Thế Vinh và các cộng sự Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa xây dựng thành công dây chuyền sản xuất bột màu vô cơ từ nguyên liệu có sẵn trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm bột màu của Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu nhận thấy một số công ty nước ngoài chuyên sản xuất bột màu có chi nhánh tại Việt Nam chủ yếu sử dụng các nguyên liệu của Việt Nam như cao lanh, sắt, coban, niken, canxi, magie… để sản xuất chứ không cần mang thành phẩm từ nước ngoài vào.

Do đó, nhóm nghiên cứu đã tận dụng các nguồn khoáng vô cơ có sẵn trong nước, để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian thực hiện.

Nhóm đã chủ động thiết kế, chế tạo máy móc, thiết bị để không phải nhập từ nước ngoài. Sau 2 năm nghiên cứu, nhóm đã chế tạo được các loại bột màu có khả năng chịu nhiệt lớn (trên 1.000°C), độ bền màu đạt 8/8, độ bền thời tiết đạt 5/5. Các chỉ tiêu khác như khối lượng riêng và độ hấp phụ dầu đều tương đương bột màu của Torrecid (hãng sản xuất bột màu lớn trên thế giới).

Nhờ làm chủ công nghệ, nhóm nghiên cứu có thể tự tin sản xuất mọi tông màu mà khách hàng mong muốn, từ màu tím, xanh dương, đen, vàng chanh, vàng nghệ, hồng đến nâu đỏ, cà phê, kem sữa... Hiện có 5 sản phẩm bột màu chính gồm xanh coban, vàng chanh, vàng nghệ, đen, tím do nhóm nghiên cứu sản xuất.

Nâng giá trị cho quặng thô

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, công nghệ sản xuất đã tập trung khai thác và sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như các chất khoáng có chứa nguyên tố trong chất màu, các hóa chất cơ bản như axit H2SO4, HCl, HNO3, NaOH, NH3, Na2CO3, NaHSO4, C, NaClO…

Việc sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh về giá so với sản phẩm ngoại nhập, góp phần giảm bớt hiện tượng khai thác quặng thô để bán ra nước ngoài với giá rẻ, gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia.

Đồng thời, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động ở nhiều ngành sản xuất có liên quan như: Khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất bột màu, sản xuất gốm sứ và gạch - ngói màu, sản xuất sơn, sản xuất nhựa và cao su…

PGS.TS La Thế Vinh cho biết, đề tài đã xây dựng được công nghệ chế biến khoáng sản phù hợp với điều kiện Việt Nam, đặc biệt đảm bảo vấn đề môi trường. Nghiên cứu của đề tài đã đi sâu vào quá trình chế biến, đưa ra các giải pháp hấp thụ và hấp phụ các chất khí, dung dịch, chất thải rắn nhằm hạn chế tối đa việc phát thải chất thải dạng rắn, lỏng và khí ra môi trường.

“Có thể nói, kết quả của nhóm nghiên cứu đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Việc tận dụng được nguồn khoáng sản trong nước có ý nghĩa rất lớn, vừa thay thế nhập khẩu, hạn chế xuất thô, vừa tạo ra giá trị cho sản phẩm trong nước, tạo việc làm…”, TS Vinh nói.

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thử nghiệm để duy trì độ ổn định cho các thông số kỹ thuật, chỉ tiêu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhóm hướng đến việc mở rộng dây chuyền, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại hơn để có thể sản xuất được lượng bột màu lớn hơn và cung cấp cho khách hàng; cũng như tiếp tục tìm hiểu để có thể chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất bột màu trong tương lai.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/bot-mau-vo-co-made-in-viet-nam-Is7bZgl7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/bot-mau-vo-co-made-in-viet-nam-Is7bZgl7g.html
Bài liên quan
Đại học Bách Khoa Hà Nội bổ sung tổ hợp xét tuyển và mở thêm một ngành mới
Ngày 15/1, Đại học Bách Khoa Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bột màu vô cơ made in Việt Nam