Trong khu vực trung tâm thành phố, quy hoạch tuyến đường Lê Duẩn kết nối với đường Đống Đa; quy hoạch tuyến đường Hoàng Hoa Thám thông ra đường Nguyễn Tất Thành.
Quy hoạch và xây dựng công trình qua sông Hàn kết nối từ khu vực đường Đống Đa - Trần Phú sang đường Vân Đồn - Trần Hưng Đạo, tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc nối dài thông tuyến đường Hoàng Văn Thái, Vành đai phía Tây II và đường tránh Nam Hải Vân, mở rộng các tuyến đường giao thông xung quang ga Kim Liên, Cảng Liên Chiểu; đồng thời tính toán các giải pháp kết nối Cảng biển và Ga Kim Liên...
Quy hoạch chung cũng định hướng xây dựng các tuyến đường ngầm xuyên qua những dự án phát triển lớn: đường hầm qua sân bay và các dự án phát triển với những khu đất lớn, như đất quân sự hạn chế khả năng tiếp cận kết nối của các con đường.
Bên cạnh hệ thống giao thông đường bộ, đối với hệ thống giao thông công cộng, Đà Nẵng sẽ quy hoạch xây dựng hai tuyến MRT (Mass Rapid Transit) được định hướng vào giai đoạn đến 2030 là trục vận tải công cộng tốc độ cao, khối lượng vận chuyển hành khách lớn.
Giai đoạn từ nay đến năm 2050 sẽ quy hoạch 11 tuyến LRT, bao gồm các tuyến kết nối tuyến MRT tương lai với các trung tâm đô thị, các tuyến tramway ven biển (ven vịnh Đà Nẵng và tuyến nối Cảng Tiên Sa đi dọc bờ biển phía Đông) và tuyến ven sông Hàn để tạo thành mạng lưới giao thông công cộng hoàn chỉnh cho thành phố.
Các tuyến vận tải của mạng BRT hiện tại được định hướng nâng cấp lên LRT, MRT trong tương lai khi cần thiết để phù hợp với sức chứa hành khách lớn hơn.
Về các tuyến LRT du lịch, dự kiến xây dựng ba tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển.
Một số tuyến LRT sẽ tận dụng, mở rộng quỹ đất đường ray có sẵn của nhánh đường sắt quốc gia Bắc - Nam (sau khi di dời Ga đường sắt hiện trạng ra khỏi trung tâm thành phố) để xây dựng, đồng thời kết hợp tái phát triển đô thị dọc trục hành lang tuyến LRT theo định hướng TOD.
Cùng với đó, xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị) kết nối giữa TP Đà Nẵng với TP Hội An và thị trấn Lăng Cô (Huế); bố trí sẵn quỹ đất (ngầm/nổi) phù hợp cho các vị trí ga đầu cuối, ga trung chuyển, depot của các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn MRT và LRT. Định hướng phát triển các ga này theo mô hình TOD, gồm kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (xe buýt, xe đạp công cộng, taxi, ...) kết hợp quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ tập trung.
Các trạm trung chuyển chính bao gồm cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, ga Đà Nẵng hiện trạng, Ga Đà Nẵng mới theo quy hoạch, công viên 29/3, cảng Sông Hàn...
Dự kiến đến năm 2030, hệ thống xe buýt thành phố sẽ gồm 15 tuyến buýt trục chính và khoảng 10 tuyến buýt gom phụ trợ. Các tuyến buýt trục chính sẽ khai thác loại phương tiện trung bình và lớn từ 40 - 80 chỗ. Các tuyến buýt gom phụ trợ khai thác phương tiện cỡ nhỏ và trung bình từ 16-30 chỗ. Khuyến khích phương tiện thân thiện môi trường như: xe buýt điện, CNG, LPG.