Vì ai cho cái đỗ quyên kêu,
Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu.
Lại có hoè hoa chen bóng lục,
Thức xuân một điểm não lòng nhau.
(Cảnh hè)
Đến đây, người đọc như nghe những câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vọng về trong tâm tưởng:
Cuối trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.
Bằng việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa quyên đã gọi hè, người đọc cảm nhận được bước đi của thời gian sau tiếng chim vừa như khắc khoải, tiếc nuối vừa như thôi thúc, giục giã. Bên cạnh đó, nghệ thuật ẩn dụ lửa lựu lập lòe đơm bông đã gợi tả chính xác màu sắc cho đến trạng thái lấp ló lúc ẩn, lúc hiện đầy quyến rũ và mê hoặc của những bông hoa lựu đỏ trong tán lá xanh dưới đêm trăng.
Chỉ với hai hình ảnh, bằng bút pháp chấm phá của Đường thi, thiên nhiên trong Truyện Kiều như một nhân vật tinh tế, nhẹ nhàng, e ấp mà sống động, thần tiên. Tất cả hiện lên một bức tranh mùa Hè đẹp, sinh động nơi làng quê yên ả, thanh bình. Cho nên vẽ một bức tranh đâu chỉ là chuyện của giác quan chuyên nghiệp của người họa sĩ mà còn là năng lực, phẩm chất của tâm hồn - tâm hồn tinh tế, đằm thắm của một con người hết mực yêu đời, say mê cuộc sống.
Mạch thơ có sự thay đổi linh hoạt, từ hướng ngoại sang hướng nội, từ tả cảnh sang tả tình, từ miêu tả sang biểu cảm, từ khách thể sang chủ thể. Nguyễn Trãi đã trực tiếp bộc lộ nỗi lòng mình trong hai câu thơ kết bài.
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Câu thơ thể hiện ước nguyện của nhà thơ mong muốn mượn được chiếc đàn của vua Ngu Thuấn đàn một tiếng cho nhân dân giàu khắp bốn phương. Từ truyền thuyết tiếng đàn của vua Ngu Thuấn nhà thơ thể hiện ước nguyện sự lo lắng cho nhân dân. Mong có thể giúp đỡ cho nhân dân có một cuộc sống đầy đủ yên ổn thái bình. Hơn bốn trăm năm về trước, thời Tiền Lê, Pháp Thuận đã phát biểu:
“Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các.
Xứ xứ tức đao binh”.
(Vận nước có rối ren thế nào cũng mong hai chữ thái bình, nhà vua đừng làm điều gì nhiễu nhương thì khắp nơi đều hết nạn binh đao).
Hay Trần Quang Khải trong “Tụng giá hoàn kinh sư” cũng đã tâm nguyện và khao khát:
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.
(Thái bình nên gắng sức, non nước ấy ngàn năm)
Sau mấy mươi năm, vị vua hiền minh Lê Thánh Tông cố sức mình cũng chỉ để thỏa lòng mong muốn:
“Nhà nam nhà bắc đều có mặt
Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình”
Bây giờ đây, ưu tư thế cuộc, nhìn đời - từ cỏ cây, vạn vật đến sinh linh vui sống như thế, Nguyễn Trãi lại khắc khoải khát vọng muôn năm này. Mong trị quốc, bình thiên hạ sao cho dân giàu nước mạnh là giấc mơ của một bậc đại nhân.
Ấy là một giấc mơ, một khát vọng và cả một học thuyết nhân sinh ấp ủ xuyên suốt trong cuộc đời Nguyễn Trãi mà trong Bình Ngô đại cáo ông đã viết: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Khát vọng mãnh liệt, đó là khát vọng về thời Nghiêu Thuấn – khát vọng chân chính ngàn đời của những con người phương Đông sống trong thời có chúa, có vua, trong thời kỳ phong kiến.
Với Nguyễn Trãi, tư tưởng ấy từng sôi sục trong hành động, khắc khoải trong tâm tưởng, rát bỏng trong thi ca. Cả bài thơ 8 chữ, đến tận dòng cuối cùng, chữ “dân” mới bật ra, song chính là cái nền tư tưởng, tình cảm của tác giả, cái hồn của bài thơ. Là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi cả tám câu thơ lại.
Như vậy Cảnh ngày hè – “Bảo kính cảnh giới” số 43 – gương báu răn mình không chỉ là một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp, rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh, đặc trưng của mùa Hè ở chốn quê hương mà còn thể hiện, gửi gắm được một tâm hồn trung nghĩa, một tấc lòng đau đau với nhân dân, với đất nước của một nhà thơ, một nhà quân sự tài ba ở thế kỷ XV. Xa rời chốn quan trường đầy rẫy những bất công thị phi nhưng ông không lúc nào không lo cho nhân dân, mong muốn nhân dân có một cuộc sống an lành bình yên.
Bài thơ đã cho thấy một nhân cách vĩ đại, một tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân và yêu đất nước của nhà thơ đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân và cứu nước để cứu dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người”. Như vậy tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi có nội dung tiến bộ hơn, dân chủ hơn trong thời đại phong kiến – tư tưởng vượt thời gian. Tư tưởng ấy thật đáng trân quý biết bao nhiêu!