Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay đã gặt hái được những thành tựu nhất định, tuy nhiên, để khởi nghiệp phát triển bền vững thay vì chỉ "sớm nở tối tàn", chúng ta cần phát triển được một môi trường tốt, tạo ra một sandbox an toàn cho khởi nghiệp được phát triển hết tiềm năng.
Dẫn báo cáo của VCCI, trên cả nước có chưa đến 10% công ty khởi nghiệp thành công, trong đó, hơn 60% doanh nghiệp thất bại do yếu về khâu tìm kiếm khách hàng, 42% doanh nghiệp phá sản do vấn đề sản phẩm (tạo ra các sản phẩm mà thị trường không cần), bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp nên cộng hưởng thế mạnh lẫn nhau để thành lập một tổ chức liên kết chặt chẽ hỗ trợ chuyên sâu đi cùng start-up xuyên suốt không chỉ từ khâu lên ý tưởng đến kết quả nghiên cứu, ươm tạo, tăng tốc đến quỹ đầu tư mà đặc biệt cần có những hỗ trợ thực tế và cụ thể hóa từ chính sách tới hành động giúp các startup phát triển khách hàng và thị trường.
Do đó, đầu tiên, cần tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái xây dựng một mô hình hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu bền vững.
Thứ hai, cần sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước, tập đoàn và doanh nghiệp với vai trò là bên đặt đầu bài cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, cần trang bị kiến thức và kỹ năng đổi mới sáng tạo cho mọi chủ thể trong hệ sinh tháo. Theo khảo sát mới nhất về mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam của BambuUP, thì chúng ta còn đang ở giai đoạn sơ khai. Điều cần tập trung mạnh mẽ trong 1-2 năm tới chính là trang bị kiến thức và kỹ năng đổi mới sáng tạo cho tất cả các chủ thể từ cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hỗ trợ tới các tập đoàn, doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, sẽ cần một định hướng chiến lược về mặt chính sách và phát triển cơ sở vật chất của các tỉnh thành cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của tỉnh thành, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo mở chứ không chỉ dừng ở thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp.
Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở sẽ cung cấp thông tin chuyên sâu và đa chiều về thực trạng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo các lĩnh vực và nhóm ngành kinh tế; phân tích về xu hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong 5 lĩnh vực trọng điểm: Sản xuất thông minh (Smart Manufacturing), công nghệ tài chính & công nghệ bảo hiểm (Fintech & Insurtech), công nghệ nông nghiệp & thực phẩm (Agtech & Foodtech), công nghệ tiếp thị và bán hàng (Martech & Salestech), công nghệ blockchain/tokenomics/metaverse.
Đồng thời Báo cáo khảo sát cơ bản về mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam;công bố những đề bài, thách thức của doanh nghiệp và tập đoàn lớn để mời gọi sáng kiến công nghệ, đổi mới sáng tạo từ các công ty khởi nghiệp và toàn hệ sinh thái; ra mắt các Bản đồ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của 43 lĩnh vực, được ghi danh bởi hơn 1.500 công ty khởi nghiệp.
Báo cáo sẽ chính thức được phát hành trong Diễn đàn Đổi mới sáng tạo mở lần 2, thuộc khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2022 tại Bình Dương vào ngày 2/12 tới đây và phát hành miễn phí với 3 phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn.