'Bức tường lửa' từ Thư viện yêu thương

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thư viện yêu thương với hàng nghìn đầu sách dần trở thành “địa chỉ đỏ”...

'Bức tường lửa' từ Thư viện yêu thương  ảnh 4

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến.

Đối với học sinh hiện nay, đọc sách không phải việc bắt buộc, nhưng là điều kiện cần và đủ để các em phát triển tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn. Bởi đôi khi, đọc sách không dừng lại ở việc đọc mà còn chia sẻ, chữa lành cho những tâm hồn đang tổn thương.

Để gìn giữ và phát huy văn hóa đọc, trước hết xuất phát từ gia đình rồi lan tỏa ra cộng đồng. Ở nhà, bố mẹ có thể hướng dẫn và đọc sách cùng con để rèn thói quen, nếp đọc sách. Đọc sách là hành trình dài, mỗi ngày tích lũy một chút, học sinh mới dần thích và yêu sách hơn.

Từ năm 2021, ngày 21/4 trở thành Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Những ngày này hoạt động đọc và bán sách được tổ chức rầm rộ. Nhưng đây là hoạt động hiệu quả trong thời gian ngắn, còn mang tính hình thức.

Để “giữ lửa” văn hóa đọc cần những hoạt động định hướng mang tính lâu dài hơn, như xây dựng thư viện sách miễn phí, câu lạc bộ đọc sách, tổ chức đọc sách theo kế hoạch hàng tuần, hàng tháng...

Mô hình thư viện sách miễn phí là ví dụ điển hình. Ngay tại phố Hoàng Liên (quận Bắc Từ Liêm) thay vì sử dụng thiết bị điện tử, trẻ em tìm đến Thư viện yêu thương để đọc sách. Cái hay ở đây, thư viện dành cho mọi đối tượng bạn đọc, những người đọc sách cũng chính là người góp sách tạo thư viện. Nếu ở đâu cũng có một thư viện miễn phí như thế sẽ khuyến khích mọi người tham gia nhiều hơn, lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng.

Ngược lại, để có người đọc sách, nội dung sách cũng phải chất lượng. Hiện nay, có một số sách kém chất lượng, biên soạn cẩu thả, kiến thức và ngôn từ đã lạc hậu... trà trộn vào thị trường gây bào mòn văn hóa đọc. Các nhà xuất bản nên chú trọng hơn trong việc kiểm chứng thông tin, nội dung sách trước khi xuất bản, thúc đẩy phong trào đọc sách, từ đó hình thành cộng đồng có văn hóa.

TS Nguyễn Thị Hồng - Nguyên Phó Trưởng khoa Tuyên truyền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Giữ lửa văn hóa đọc trong thời đại số

'Bức tường lửa' từ Thư viện yêu thương  ảnh 5

TS Nguyễn Thị Hồng.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, văn hóa đọc của Việt Nam đang có nguy cơ suy thoái. Hiện nay, học sinh, sinh viên có xu hướng thích sử dụng thiết bị điện tử để vào mạng, chơi game hơn là đọc sách.

Điều này gây nhiều hệ lụy cho học sinh như: Tâm hồn của trẻ sẽ bị thô cứng, bị tác động bởi những con số khô khan, thiếu đi sự linh hoạt, yếu tố trữ tình và những nguồn mạch tinh khiết để nuôi dưỡng sự lớn lên của tâm hồn.

Việc cho trẻ ham đọc sách và khám phá tri thức để thả tâm hồn bay bổng vào trong trang sách là điều rất nên và cần thiết. Hiện nay, để khuyến khích trẻ em đọc sách, tại nhiều địa phương đã dựng những tủ sách, thư viện miễn phí, thư viện sách lưu động.

Thậm chí, có cả những mạnh thường quân tự bỏ kinh phí ra xây dựng các tủ sách lớn trong cộng đồng phục vụ mọi đối tượng học sinh, nhân dân. Những việc làm này có ý nghĩa thiết thực, góp phần lan tỏa giá trị tinh thần, khơi dậy lòng ham mê khám phá, ham mê đọc sách để xây dựng nhân cách của con người theo hướng tích cực.

Nguyễn Như Quỳnh - Lớp 4, Trường Tiểu học Liên Mạc: Thêm yêu gia đình và biết quý trọng thời gian

'Bức tường lửa' từ Thư viện yêu thương  ảnh 6

Em Nguyễn Như Quỳnh.

Ngoài thời gian rảnh, đều đặn cuối tuần, em cùng với các bạn trong lớp đến Thư viện yêu thương mượn và đọc sách. Em tìm đọc những cuốn sách về chủ đề như: Văn học, cách làm toán, lịch sử, sách nấu ăn…

Ở đây với không gian yên tĩnh, tư liệu sách phong phú tạo cơ hội cho em tiếp cận với những cuốn sách hay, bổ ích. Đến không gian này, em không những được khám phá kiến thức mà đôi khi còn là nơi ôn tập chính bài học trên lớp, giúp em biết quý trọng thời gian và thêm yêu gia đình.

Trước đây, vào thời gian rảnh, em thường sử dụng điện thoại để giải trí dù biết nó không tốt, gây hại cho sức khỏe. Từ khi Thư viện yêu thương mở cửa, em rèn luyện được thói quen đọc sách, không còn nghĩ đến việc sử dụng thiết bị điện tử. Bố mẹ và thầy cô cũng nhắc nhở chúng em đọc sách là việc vô cùng quan trọng để trang bị kiến thức trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.

Trần Thị Khánh Chi - Lớp 5, Trường Tiểu học Liên Mạc: Học kỹ năng sống qua đọc sách báo

'Bức tường lửa' từ Thư viện yêu thương  ảnh 7

Em Trần Thị Khánh Chi.

Thay vì đòi đi chơi vào mỗi dịp cuối tuần, em xin phép bố mẹ lên Thư viện yêu thương lựa chọn cho mình những cuốn sách hay về văn hóa, lịch sử, khoa học nhằm củng cố kiến thức cho bản thân. Từ khi đọc sách ở thư viện, em nhận ra kiến thức là vô tận, ngoài việc học tập trên lớp cũng cần đọc nhiều sách để rèn luyện kỹ năng tự học cũng như tăng khả năng tư duy, khám phá. Nhờ đọc được những kiến thức từ cuốn sách nấu ăn ở thư viện, em có thể phụ giúp mẹ lựa chọn và chế biến thực phẩm dịp cuối tuần.

Thư viện yêu thương nằm trong Dự án “Xây dựng thư viện yêu thương tuyên truyền, vận động lan tỏa văn hóa sách kết nối tình yêu mỹ thuật qua từng trang sách” mà chị Ngô Quỳnh Liên ấp ủ thực hiện trong suốt 5 năm qua. Thư viện phục vụ đọc tại chỗ và mang về được mở cửa từ 9 đến 16 giờ các ngày trong tuần, riêng cuối tuần mở cửa đến 18 giờ. Hiện nay, quản lý thư viện đang kêu gọi tình nguyện viên để có thể mở đến 21 giờ vào cuối tuần. Mỗi tháng, thư viện tổ chức 2 buổi sinh hoạt miễn phí để bạn đọc có thể giao lưu, kết nối và mời chuyên gia tâm lý chia sẻ với phụ huynh về tâm lý lứa tuổi, cách chăm sóc trẻ, đọc sách và cách vận dụng kiến thức.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/buc-tuong-lua-tu-thu-vien-yeu-thuong-post637664.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/buc-tuong-lua-tu-thu-vien-yeu-thuong-post637664.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bức tường lửa' từ Thư viện yêu thương