Bước chân người lính gieo mầm tri thức, thắp sáng biên cương

20/11/2024 14:49

Ở đâu có dấu chân người lính Biên phòng, ở đó tri thức được gieo mầm, ước mơ được thắp sáng đến từng bản làng biên cương của Tổ quốc. Các anh đã góp phần tạo nên khối đại đoàn kết vững chắc, chung tay phát triển giáo dục vùng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Bước chân người lính gieo mầm tri thức, thắp sáng biên cương- Ảnh 1.
Thiếu tá Phạm Nam Sơn cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Viên An Đông trao món quà ý nghĩa tặng bé Lê Kim Quyên có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Tuỳ thuộc vào đặc thù phát triển của từng địa phương, Bộ đội Biên phòng đã triển khai những mô hình giáo dục phù hợp và cách làm hiệu quả, từ đó tạo ra chuyển biến rõ rệt trong công tác xóa đói giảm nghèo. Nỗ lực này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục, mang lại cơ hội học tập cho mọi tầng lớp nhân dân trong cộng đồng.

Thắm tình quân dân nơi "đất biết nở, rừng biết đi, biển biết sinh sôi"

Đặt chân đến huyện biên giới Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) – nơi được ví như "vùng đất biết nở, rừng biết đi, biển biết sinh sôi", chúng tôi không chỉ cảm nhận được sự kỳ vĩ của thiên nhiên mà còn được lắng nghe những câu chuyện xúc động về hành trình vượt khó đi tìm con chữ của học sinh nơi cực Nam Tổ quốc.

Theo thầy Vũ Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 3 xã Đất Mũi, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu gắn liền với nghề đi biển nên thu nhập cũng bấp bênh. Tỷ lệ học sinh đến trường vì vậy mà thay đổi theo mùa cá.

Vào mùa biển lặng, ngư dân có thu nhập thì con cái được đến trường đầy đủ. Đến khi biển động, các em lại phải tạm dừng việc học bởi gia đình không đủ khả năng trang trải học phí. Chưa kể, con đường đến trường của các em cũng đầy thử thách khi phải vượt qua sông, rạch chằng chịt.

Phát huy phẩm chất của người lính "cụ Hồ" đi dân nhớ, ở dân thương, làm dân tin, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi đã không ngừng nỗ lực làm cầu nối triển khai những chương trình hỗ trợ giáo dục đầy nhân văn, khơi dậy niềm tin vào con đường tri thức.

Thiếu tá Phạm Nam Sơn, Chính trị viên Đồn Biên Phòng Đất Mũi cho biết, bằng nguồn lực huy động thường xuyên mà Đồn đã và đang duy trì chương trình "Nâng bước em tới trường". Trong đó, nhận đỡ đầu cho 3 em học sinh theo mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/năm/em; chương trình giúp các em có thêm điều kiện học tập, giảm bớt gánh nặng chi phí, giúp các gia đình nghèo yên tâm cho con em đi học.

Từ năm 2022 đến nay, Đồn cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Viên An thực hiện mô hình "Bảo hiểm cho em", tặng thẻ bảo hiểm y tế cho 10 học sinh nghèo chưa có bảo hiểm. Ngoài ra, mô hình "Mẹ đỡ đầu" cũng hỗ trợ, nuôi dưỡng 2 trẻ mồ côi với mức hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi cháu/ tháng.

Từ năm 2022 đến nay, Đồn cũng kêu gọi các đơn vị tặng 10 chiếc xe đạp, 140 bộ quần áo và hơn 5.000 cuốn tập cho học sinh nghèo vào mỗi mùa khai giảng. Những món quà dù nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, không chỉ là vật chất mà còn là sự động viên tinh thần, khuyến khích các em vươn lên trong học tập.

Đồn Biên phòng Đất Mũi còn triển khai chương trình "Tiết học biên cương" từ năm 2022 với 24 buổi cho hơn 900 cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn. Mỗi tiết học là những bài giảng sinh động về truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng, về những kỹ năng nhận diện đường biên giới, về cách bảo vệ đất nước.

Những hình ảnh sinh động qua các slide PowerPoint không chỉ giúp các em hiểu, mà còn khơi dậy trong lòng các em tình yêu quê hương, đất nước. Đó là những bài học không chỉ về con chữ mà còn về trách nhiệm, về lòng tự hào dân tộc.

Dẫu vậy, con đường phát triển giáo dục toàn diện tại khu vực biên giới không hề thiếu vắng những thử thách.

Thiếu tá Phạm Nam Sơn tâm sự: "Một trong những câu chuyện đáng nhớ là trường hợp của cháu Trần Văn Bé - một học sinh nghèo của xã, bố mẹ làm thuê kiếm sống qua ngày, gia đình không muốn cho Bé đi học vì suy nghĩ "phải đi làm thì gia đình mới có cơm ăn".

Khi cán bộ Đồn Biên phòng đến vận động, gia đình đã từ chối và thậm chí tìm cách tránh né. Cuối cùng, sự kiên trì của người lính đã chạm đến trái tim của người mẹ nghèo khó. Gia đình cháu Bé đồng ý cho con đi học. Bước chân của Bé đã lại vững vàng trên con đường học tập, giữa muôn vàn khó khăn của vùng biên giới biển".

Nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi, nhiều em học sinh nơi biên cương đã có cơ hội đến trường, tiếp cận với kiến thức và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Đồng thời, các chương trình giáo dục cũng đã góp phần vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức chủ quyền quốc gia trong cộng đồng dân cư vùng biên giới.

"Trong thời gian tới, Đồn sẽ tiếp tục phát huy các mô hình giáo dục, kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các nhà trường, huy động sức mạnh của toàn xã hội để tạo dựng một xã hội học tập bền vững ở vùng biên cương", Thiếu tá Phạm Nam Sơn nhấn mạnh.

Cứ thế, ở nơi cuối đất, giữa biển trời mênh mông của Tổ quốc, những đứa trẻ vùng biên như những cây đước đặc trưng của vùng đang từng ngày vươn lên từ khó khăn, nhờ vào tình yêu thương, sự sẻ chia và sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ biên phòng.

Bước chân người lính gieo mầm tri thức, thắp sáng biên cương- Ảnh 2.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) xây dựng và duy trì mô hình “Bếp ăn tình thương” trong suốt 9 tháng/năm học - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Bếp ăn tình thương - việc làm nhỏ, nuôi hoài bão lớn

Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng ở xã biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã dần được cải thiện nhờ các nguồn vốn trung ương và địa phương. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn bấp bênh, nhất là đối với những gia đình có con em đang độ tuổi đến trường.

Trung tá Nguyễn Hữu Quyết, Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Trên địa bàn xã hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn tiếp diễn khó lường, trong khi một bộ phận người dân, nhất là đồng bào DTTS vẫn gặp nhiều khó khăn do kinh tế chậm phát triển, năng suất lao động thấp và hạn chế về nhận thức. Chưa kể, đặc thù biên giới với dân cư thưa thớt, cách xa trung tâm hàng chục cây số khiến nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng vì đường xá đi lại khó khăn, đi lại vất vả".

Để chia sẻ phần nào những khó khăn ấy, từ năm 2013, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) đã xây dựng và duy trì mô hình "Bếp ăn tình thương" trong suốt 9 tháng/năm học.

"Đây là sáng kiến không chỉ giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà còn là nỗ lực để giảm thiểu tình trạng bỏ học trong cộng đồng người dân tộc thiểu số nơi đây", Thượng tá Trần Mạnh Hà Chính trị viên đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhấn mạnh.

Với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào là anh em ruột thịt", các cán bộ, chiến sĩ mỗi ngày đều đặn chuẩn bị bữa ăn trưa cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đại úy Ksor Thun, cán bộ đội Vận động quần chúng cho biết, đều đặn mỗi sáng sẽ có đồng chí được phân công đi chợ, chọn lựa thịt, cá, rau… để đảm bảo bữa ăn đủ chất cho các em. Tất cả kinh phí cho bếp đều do chính các cán bộ, chiến sĩ trích từ lương và phụ cấp của mình với số tiền khoảng 7 triệu đồng/tháng. Bữa cơm giản dị, đạm bạc nhưng thấm đẫm tình thương đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh để các em kiên trì học tập và bước tiếp trên hành trình tìm kiếm tri thức.

Những ngày cuối tuần, khi các em về thăm nhà, phòng ăn dường như trống vắng hơn. Đại úy Ksor Thun bộc bạch: "Ngày nào không chuẩn bị bữa ăn cho các cháu là thấy thiếu thiếu, các cháu là niềm vui của chúng tôi".

Không chỉ cung cấp bữa ăn, các chiến sĩ Đồn Lệ Thanh còn quan tâm đến việc học tập của các em. Họ thường xuyên phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình học tập và kịp thời hỗ trợ khi các em gặp khó khăn. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, hoặc cuối năm học, Đồn biên phòng cũng trao học bổng, khen thưởng cho các em chăm ngoan, học giỏi.

Ông Rơ Lan Đức, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom xúc động bày tỏ: "Nhờ có các anh biên phòng mà nhiều gia đình nơi đây đỡ được phần nào gánh nặng, con cái được đi học đầy đủ. Nhiều em đã vượt qua khó khăn, nuôi ước mơ bước vào giảng đường đại học".

Bữa cơm giản dị, đầy tình thương của những người lính biên phòng đã âm thầm tạo nên sợi dây gắn kết sâu sắc trong lòng cộng đồng nơi đây. Với các chiến sĩ, những nỗ lực trong mô hình "Bếp ăn tình thương" không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình cảm thiêng liêng, là quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong không gian bao la của núi rừng biên giới, "ánh lửa bập bùng" từ căn bếp của những người lính Lệ Thanh vẫn lặng thầm sưởi ấm những trái tim nhỏ bé, chắp cánh cho các em bay cao, bay xa hơn. Họ vẫn kiên cường bám trụ nơi biên cương, không chỉ bảo vệ từng tấc đất quê hương mà còn đang lặng thầm vun đắp cho tương lai, cho niềm tin rằng cuộc sống này luôn có những tấm lòng sẵn sàng trao đi yêu thương.

Bước chân người lính gieo mầm tri thức, thắp sáng biên cương- Ảnh 3.
Trong lòng mỗi người Pa Cô, Vân Kiều - những người thầy quân hàm xanh vẫn mãi sáng lên như những “ngọn đuốc” dẫn đường đưa họ vươn tới tri thức - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Hành trình khai phóng từ những người bạn tri thức quân hàm xanh

Giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, trong những bản làng biên giới của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô của xã Thanh, xã Xy, xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đêm đêm vẫn vang lên giọng đọc chậm rãi của một lớp học đặc biệt.

Lớp học đơn sơ của những học viên đã qua tuổi đến trường, đôi mắt dẫu mệt mỏi vì cuộc sống mưu sinh nhưng bừng sáng khi ngồi trước trang vở. Những đêm bên ánh đèn, hình ảnh người lính biên phòng kiên trì cầm tay từng học viên tập viết đã trở thành biểu tượng của lòng kiên nhẫn và sự tận tâm. Với bà con, các anh không chỉ là thầy mà còn là người bạn đồng hành trên con đường đổi thay cuộc sống.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh cho hay, tình trạng mù chữ, tái mù chữ và học sinh bỏ học tại địa bàn luôn là trăn trở lớn. Trước thực tế này, Đồn đã chủ động phối hợp với các nhà trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ 3 xã triển khai mô hình "Lớp học xóa mù chữ" với mục tiêu không chỉ dạy chữ mà còn mang lại cơ hội cải thiện cuộc sống cho người dân, nhất là những phụ nữ từ 20-50 tuổi.

Đồn đã tham mưu để chính quyền và nhà trường chọn lựa giáo viên tận tâm, biên soạn giáo án phù hợp và tổ chức giảng dạy. Hiện tại, Đồn có bốn cán bộ người dân tộc thiểu số – những người vừa giỏi ngôn ngữ bản địa vừa nhiệt huyết để đảm nhiệm giảng dạy với ba lớp học tại ba xã Thanh, Xy, Lìa cho 70 học viên. Bên cạnh đó, mỗi xã cũng duy trì thêm một lớp học do giáo viên địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đứng lớp với 71 học viên tham gia đều đặn.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh kể: "Nhìn những người mẹ, người chị cầm bút viết tên được tên mình là chúng tôi xúc động lắm! Lần đầu tiên, họ được học chữ, được biết đến những con số, những phép tính đơn giản phục vụ cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa trong cuộc sống thường ngày. Không chỉ là những kiến thức cơ bản, mỗi buổi học còn là một buổi chia sẻ, những câu chuyện về truyền thống dân tộc, tình đoàn kết quân dân trong kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc".

"Lớp học xóa mù chữ" không chỉ giúp bà con làm chủ con chữ, mà còn giúp họ nhận thức rõ hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cũng như các quy định pháp luật.

Những kiến thức được truyền tải không chỉ giúp cuộc sống của họ thêm phần dễ dàng, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sinh kế và tạo dựng những cơ hội mới. Thậm chí, một số học viên sau khi hoàn thành khóa học đã quyết định rời bản làng, đi làm tại các tỉnh phía Nam, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bước chân người lính gieo mầm tri thức, thắp sáng biên cương- Ảnh 4.
Cán bộ chiến sĩ luôn coi đồng bào dân tộc thiểu số như anh em ruột thịt, sớm lửa tắt đèn, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, tạo điều kiện cho con em đến trường học con chữ - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Thượng tá Hồ Phú Vinh, Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đánh giá, "Lớp học xóa mù chữ" không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ, mà còn là cách để các chiến sĩ biên phòng gắn bó với người dân, thắt chặt tình đoàn kết quân dân, đồng thời giúp bà con phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức.

Đối với lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Trị, đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện trách nhiệm và tình yêu thương đối với nhân dân nơi biên cương. Trong 05 năm qua, bộ đội biên phòng đã mở được 9 lớp xóa mù chữ với 264 học viên, đã vận động 663 học sinh bỏ học trở lại trường, 3.871 cháu trong độ tuổi đến trường.

Có thể nói, sự hiện diện của những người lính biên phòng tại các lớp học đêm nơi biên giới không chỉ mang đến tri thức, mà còn là một ngọn lửa niềm tin, thắp sáng hy vọng cho cả một thế hệ. Để bảo vệ từng tấc đất quê hương, họ hiểu rằng, phải xây dựng "thế trận lòng dân vững chắc" để từ đó biến tình cảm quân dân thành bức tường vững chãi trước mọi khó khăn. Mỗi bước đi của người lính, mỗi giờ giảng dạy đều chứa đựng tâm huyết và lòng nhiệt thành của những người mang sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc.

Khi ánh đèn nơi lớp học tắt đi, những người lính biên phòng lại trở về, chuẩn bị cho những giờ canh giữ đất trời biên cương. Nhưng chắc chắn rằng, trong lòng mỗi người Pa Cô, Vân Kiều nơi đây, họ vẫn mãi sáng lên như những "ngọn đuốc" dẫn đường cho người dân vươn tới tri thức, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.

Văn Hiền


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/buoc-chan-nguoi-linh-gieo-mam-tri-thuc-thap-sang-bien-cuong-102241120144959409.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/buoc-chan-nguoi-linh-gieo-mam-tri-thuc-thap-sang-bien-cuong-102241120144959409.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước chân người lính gieo mầm tri thức, thắp sáng biên cương