Sự hợp tác của MFP và Pheu Thai sẽ còn đối mặt nhiều rào cản. Theo bản hiến pháp năm 2017 do chính quyền quân sự khi đó soạn thảo, sau cuộc tổng tuyển cử, 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ Thái Lan sẽ tiếp tục bầu ra thủ tướng mới vào tháng 7 tới.
Tân thủ tướng Thái Lan phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376 đại biểu của hai viện Quốc hội. Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vẫn tiếp tục điều hành cho đến khi chính phủ mới chính thức ra mắt. Tuy nhiên, Thượng viện Thái Lan từ lâu có lập trường ủng hộ các đảng được quân đội hậu thuẫn.
Khi được hỏi về sức ép từ Thượng viện, ông Pita cho rằng tất cả các bên phải tôn trọng kết quả bầu cử và không có ích gì khi chống lại nó. Lãnh đạo Đảng Pheu Thai cũng cho hay về nguyên tắc, các thượng nghị sĩ phải tôn trọng tiếng nói của người dân.
Nhà khoa học chính trị Wanwichit Boonprong tại Trường ĐH Rangsit (Thái Lan) bình luận: "Đây sẽ là thách thức lớn đối với chính phủ mới. Mỗi bước đi sẽ được theo dõi và xem xét kỹ lưỡng".
Được giới trẻ ủng hộ Khi chính trị gia 42 tuổi có mặt tại một khu chợ đông đúc ở thủ đô Bangkok để tuyên truyền về chính sách của Đảng Tiến bước (MFP), người hâm mộ ông vây quanh, bấm điện thoại chụp hình liên tục, miệng hô tên, tay tặng hoa. Đó là một đoạn mô tả của kênh truyền hình Úc ABC về ông Pita Limjaroenrat - người cha một con, tỉ phú trẻ tuổi, doanh nhân năng động và nay là ứng viên sáng giá cho ghế thủ tướng Thái Lan. Báo giới địa phương nhận xét ông Pita được nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt không kém gì ngôi sao nhạc pop. Được khen ngợi là có phong cách tranh luận quyết đoán nhưng lịch lãm, ông Pita từng nói thông điệp then chốt của ông là: "Nền chính trị tốt, nền kinh tế tốt, tương lai tốt". Tỉ phú Pita Limjaroenrat, cựu sinh viên Trường ĐH Harvard (Mỹ), khởi đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 25 tuổi bằng việc vực dậy công ty dầu cám gạo đang chìm trong nợ nần của gia đình, sau đó đảm nhận chức vụ giám đốc điều hành của Grab khu vực Thái Lan. Ông Pita rất được cử tri trẻ tuổi yêu thích. Ảnh: ABC Ông bắt đầu vai trò mạnh mẽ trong chính trường khi Đảng Tương lai phía trước, tiền thân của MFP, bị tòa án hiến pháp giải tán vì "vi phạm một số quy định về tài trợ". Sự việc này xảy ra chỉ 1 năm sau khi Đảng Tương lai phía trước bất ngờ về thứ ba trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2019. Ông Pita, nhà lãnh đạo mới, đã xây dựng lại đảng và khơi nguồn một phong trào đấu tranh mạnh mẽ. Giáo sư Siripan Nogsuan Sawasdee từ Khoa Khoa học chính trị của Trường ĐH Chulalongkorn ở Bangkok cho biết mức độ ủng hộ dành cho MFP tăng lên từng ngày. "Theo tính toán của tôi, khoảng 60%-70% thế hệ trẻ yêu thích MFP. Các thế hệ lớn tuổi hơn cũng bị con cháu họ thuyết phục và bỏ phiếu cho MFP" - bà nói với ABC. Thực ra ông Pita không phải là "tay ngang" trong chính trị. Cha ông, ông Pongsak Limjaroenrat, từng là cố vấn của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, còn người chú Padung Limcharoenrat là cố vấn thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông bố 1 con có sức hút rất đặc biệt. Ảnh: Instagram Nhưng phải đợi đến khi sang New Zealand du học ở tuổi thiếu niên, ông Pita mới bắt đầu khơi sâu tình yêu với chính trị. Thậm chí, ông vừa làm bài tập vừa nghe các bài phát biểu của Thủ tướng New Zealand khi đó là ông Jim Bolger. Tại Mỹ sau này, ngoài bằng thạc sĩ về chính sách công ở Trường ĐH Harvard, ông Pita còn lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh ở Viện Công nghệ Massachusetts. Anh Thư |