Carlos Mera, người đứng đầu thị trường hàng nông sản tại Rabobank, dự báo sản lượng cà phê robusta sẽ giảm 10% xuống còn 11,2 triệu bao trong vụ thu hoạch sắp tới.
Năm 2016, tình trạng thiếu nước liên quan đến El Nino ở cả Việt Nam và Indonesia đã khiến sản lượng robusta toàn cầu sụt giảm gần 10%, theo thống kê của đơn vị nghiên cứu.
Điển hình, trong một năm El Nino, “không có gì lạ” khi Việt Nam và Indonesia “chứng kiến sản lượng cà phê robusta giảm 20%”, Shawn Hackett, Chủ tịch công ty Hackett Financial Advisors, nói với CNBC.
Hạt robusta chiếm 40% sản lượng cà phê thế giới và hạt arabica chiếm 60%. Hạt cà phê arabica thường được coi là có chất lượng cao hơn và giá cao hơn. Tuy nhiên, áp lực kinh tế toàn cầu đang làm tăng nhu cầu đối với cà phê robusta.
Giá cà phê robusta gần đây đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 năm là 2.783 USD/tấn vào cuối tháng 5.
Ông Hackett cho biết: “Nói chung, châu Á ưa chuộng robusta hơn arabica và do đó, nhu cầu về robusta đang tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với nhu cầu về arabica".
Nhưng châu Á không phải là khu vực duy nhất ngày càng ưa chuộng cà phê robusta. Natalia Gandolphi, nhà phân tích tại HedgePoint Global Markets' Intelligence, cho biết: “Mặc dù việc giảm nhập khẩu cà phê arabica đã qua chế biến một phần là do nguồn cung ít hơn. Nhưng việc chuyển sang sử dụng cà phê robusta cho thấy loại cà phê rẻ hơn này đang được thị trường châu Âu ưa chuộng hơn".