Các chính sách với nhà giáo rất đa dạng

21/09/2023, 15:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các chính sách với nhà giáo rất đa dạng; từ tiền lương, tuyển dụng cho đến vị trí việc... nhưng Bộ GD&ĐT không được quyết định tất cả.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) khi phát biểu tại Hội nghị tập huấn triển khai các quy định mới về chính sách đối với giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chuyên biệt. Hội nghị được Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 21/9 tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Vẫn còn khó khăn

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội nghị. ảnh 1
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội nghị.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác pháp chế, ông Vũ Minh Đức cho hay, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn chỉ đạo sát sao để hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách quy phạm pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên trong các trường học.

Những năm qua, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các nhóm chính sách liên quan đến vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ… nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với chính sách đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học đã cơ bản hoàn thiện và được rà soát, bổ sung, cập nhật, điều chỉnh hàng năm” – ông Đức cho hay.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. ảnh 2
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, hiện có hai nội dung cần tiếp tục triển khai. Thứ nhất, vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng công lập. Theo đó, Thông tư đang được soạn thảo và xin ý kiến ở trên mạng.

Thứ hai, dự kiến năm 2024, nhiệm vụ được tập trung trọng tâm là nghiên cứu, điều chỉnh Thông tư quy định về chế độ làm việc đối với đội ngũ giáo viên trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng của toàn Ngành đang được Bộ GD&ĐT triển khai là xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo để Chính phủ trình Quốc hội xem xét và ban hành.

Chuyên gia tham luận, chia sẻ tại hội nghị. ảnh 3
Chuyên gia tham luận, chia sẻ tại hội nghị.

Với khoảng 1,6 triệu nhà giáo công tác ở các vùng miền và có trình độ khác nhau, ông Đức nhận thấy, có một số khó khăn khi triển khai xây dựng và thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo.

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, với những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo sẽ phải thực hiện nâng chuẩn theo lộ trình mà Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định.

Bộ GD&ĐT không được quyết định tất cả

Cũng theo ông Đức, các chính sách đối với đội ngũ nhà giáo cũng đa dạng; từ tiền lương, tuyển dụng, vị trí việc làm cho đến các chính sách khác như: bồi dưỡng độc hại đối với đội ngũ nhân viên thiết bị thí nghiệm... rất phức tạp và khó khăn. Trong khi Bộ GD&ĐT không được quyết định tất cả những việc này.

“Chúng ta muốn ban hành một Thông tư liên quan đến vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, phải có sự đồng thuận của Bộ Nội vụ. Hoặc khi muốn ban hành Thông tư liên quan đến chính sách phụ cấp tiền lương phải có sự đồng thuận của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Quá trình ban hành một thông tư không đơn giản như nhiều người nghĩ” – ông Đức trao đổi.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu. ảnh 4
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu.

Cũng tại Hội nghị, ông Đức cũng thông tin về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV “Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập” (Thông tư 06) và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn danh danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập” (Thông tư 16). Hiện, dự thảo Thông tư này đang được xin ý kiến lần cuối, trước khi ban hành.

Chia sẻ một số văn bản, chính sách gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi triển khai ở địa phương, ông Đức viện dẫn, có những nội dung Thông tư của Bộ GD&ĐT nhưng chủ trì thực hiện lại là cơ quan nội vụ, tài chính, dẫn tới rất khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai ở các địa phương.

Bên cạnh đó, sự hạn chế về nguồn lực, kể cả nguồn lực con người lẫn nguồn lực tài chính trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách đội ngũ nhà giáo cũng phần nào làm cho chất lượng của các văn bản còn hạn chế, chưa đáp ứng hết mong mỏi của đội ngũ nhà giáo.

“Quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng như cũng như Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục luôn quán triệt nguyên tắc: tuân thủ pháp luật và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên ở các trường học” – ông Đức nhấn mạnh.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu. ảnh 5
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu được cập nhật chính sách mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, nhân viên; chính sách mới về vị trí việc làm, về công tác bồi dưỡng đội ngũ và tăng cường năng lực tiếp cận chính sách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chính sách với nhà giáo rất đa dạng