Một cơ chế “đặt hàng” rõ ràng hơn từ phía lãnh đạo Thành phố, có thể quy định ngay trong Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho những nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, giúp Thủ đô phát triển nhanh, bền vững hơn và đạt tầm cao mới.
Tại Hội nghị gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỉ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) do TP. Hà Nội tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng, hiến kế, đề xuất các giải pháp phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung.
Trong đó, TSKH.Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn phát triển. Hà Nội đã thay da đổi thịt hằng ngày.
"Mỗi thắng lợi trên địa bàn Thủ đô không tách rời sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô, vì Thủ đô yêu dấu", ông Dũng bày tỏ.
Dưới mái nhà chung của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trí thức KHCN Thủ đô luôn đóng vai trò quan trọng. Trí thức Thủ đô thời kỳ nào cũng rất đông đảo, có nhiều tấm gương sáng đóng góp lớn cho đất nước.
Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới đây với phương châm phát triển Thủ đô phải dựa trên nền tảng KHCN, càng tạo điều kiện cho KHCN phát triển, cho đội ngũ trí thức cống hiến được nhiều hơn, hiệu quả hơn.
TSKH. Phan Xuân Dũng đề nghị lãnh đạo TP. Hà Nội tiếp tục tin tưởng hơn nữa, hãy trao cho đội ngũ trí thức các điều kiện, đặc biệt là về cơ chế chính sách để họ đủ dũng khí, dám nói, dám nghĩ, dám làm,dám hành động hơn nữa. Điều này sẽ góp phần để đất nước, Thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và sẽ đạt tầm cao mới.
Cũng đề cập đến dự thảo Luật Thủ đô, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CNNguyễn Quân cho rằng đây là một đạo luật quan trọng và sẽ có nhiều nội dung đặc thù để hỗ trợ cho sự phát triển của Thủ đô, trong đó có KHCN.
"Nếu như Luật Thủ đô lần này có một số điều khoản mang tính đặc thù về KHCN, bổ sung vào quy định tại Điều 18, Điều 25 của dự thảo Luật Thủ đô thì sẽ có tác dụng rất tốt cho quá trình xây dựng đội ngũ trí thức của Thủ đô cũng như phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô", ông Nguyễn Quân nêu ý kiến.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, hiện nay Bộ KHCN cũng đang xây dựng Luật KHCN sửa đổi để thay thế cho Luật KHCN năm 2013. Nếu Thủ đô đi tiên phong làm thí điểm cho một số cơ chế chính sách mới, mang tính đặc thù của KHCN thì chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà khoa học Hà Nội và cả nước, cũng là tiền đề thuận lợi cho Luật KHCN có thể đi vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Quân đề xuất, trong Điều 18 của Dự thảo Luật Thủ đô nên bổ sung nội dung lãnh đạo TP. Hà Nội sẽ "đặt hàng" các nhiệm vụ KHCN đối với các nhà khoa học, kể cả nhà khoa học của Hà Nội và các nhà khoa học của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội để thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ông Quân, không nên đề ra quá nhiều nhiệm vụ mà nên tập trung vào một số nhiệm vụ trọng điểm để đặt hàng.
"Tại sao lại như thế?", nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN lý giải, nếu để các nhà khoa học tự đề xuất những vấn đề nghiên cứu thì sẽ bị hạn chế, đó là các nhà khoa học thường lựa chọn những đề tài trong tầm tay để tránh rủi ro và mạo hiểm trong hoạt động nghiên cứu.
Một khi được lãnh đạo Thành phố đặt hàng, đặt rõ mục tiêu và sản phẩm của những nhiệm vụ KHCN, đồng thời bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm thì các nhà khoa học sẽ có sản phẩm đạt được chất lượng cao hơn, phục vụ cho sự phát triển của Thành phố.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân dẫn kinh nghiệm của Israel. Đất nước này có nền KHCN phát triển, họ có chức danh nhà khoa học trưởng, không phải là Bộ trưởng. Đó là nhà khoa học có uy tín trong cộng đồng khoa học, được sự ủy quyền của lãnh đạo Chính phủ "đặt hàng" các nhà khoa học và theo dõi các nhiệm vụ, gần như được ủy quyền tối đa cho lĩnh vực KHCN do đó được quyền điều động, bố trí kinh phí, huy động các nhà khoa học…
Cũng theo ông Nguyễn Quân, vấn đề thứ hai mà Hà Nội có thể giúp cho ngành KHCN làm thí điểm, đó là cơ chế giao quyền sở hữu và quyền định giá kết quả nghiên cứu cho các nhà khoa học.
Hiện nay, khó khăn, vướng mắc nhất của KHCN đó là các nhà khoa học không phải là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu của mình vì nhà nước đầu tư thì chủ sở hữu là nhà nước. Không được giao quyền sở hữu, nhà khoa học không thể chuyển nhượng, góp vốn kết quả nghiên cứu của mình vào doanh nghiệp, mà nếu thiếu doanh nghiệp thì các kết quả nghiên cứu sẽ bị "đút" vào ngăn kéo.
"Chúng ta nên mạnh dạn tin tưởng những người làm khoa học, giao nhiệm vụ cho họ, tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền sở hữu, cho họ quyền định giá các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ", ông Quân nói.
Như vậy, Luật Thủ đô như một bước đi tiên phong thí điểm những cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho KHCN. Tương tự với các lĩnh vực khác, như GD&ĐT, trong Luật Thủ đô, chúng ta không cần quá nhiều điều khoản dày đặc mà tập trung vào một số chính sách đặc thù. Có như thế, chính sách mới đi vào cuộc sống, thay đổi diện mạo KHCN Hà Nội cũng như của đất nước.
Bày tỏ tin tưởng Hà Nội sẽ khai thác tối đa và có hiệu quả kho trí tuệ có sẵn trên địa bàn, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP. Hà Nội đánh giá trong những năm gần đây, đặc biệt từ 2021 đến nay, TP. Hà Nội đã quan tâm đến khối trí thức hoạt động trong mái nhà chung của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, tạo điều kiện cho Liên hiệp Hội hoạt động có hiệu quả và thực chất hơn.
Chính sự gần gũi gắn bó (thông qua các buổi gặp và đối thoại trực tiếp) của lãnh đạo Thành phố với Liên hiệp hội mà nhiều vấn đề đã được tháo gỡ ngay, không phải mất nhiều thời gian thông qua văn bản.
Bà An cho biết, các đề án lớn, đặc biệt là các luật trong đó phải kể đến Luật Thủ đô, UBND đều lấy ý kiến của Liên hiệp Hội. Dư luận nói chung và ý kiến của khối trí thức khoa học của Liên Hiệp Hội đánh giá cao tờ trình về Luật Thủ đô sửa đổi lần này đã có những cơ chế vượt trội, đặc thù vừa thể hiện được những mục tiêu dài về sự phát triển của Thủ đô theo tinh thần của Nghị quyết 15 và 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô và Vùng, lại vừa sát với thực tiễn của Thủ đô có đặc thù riêng đặc thù, ít giống các Thủ đô của các nước khác (vừa thành thị vừa nông thôn) với mục tiêu năm 2030 Hà Nội phải trở thành Thủ đô: Văn hiến-Văn minh-Hiện đại.
"Để đạt được mục tiêu đó thì yếu tố chất lượng nguồn nhân lực là số một" bà An nhấn mạnh và đề nghị Thành phố nên quy định cụ thể hơn để có những cơ chế riêng phù hợp với việc tổ chức, khai thác, tận dụng lực lượng cán bộ khoa học, trí thức đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô.
Theo đó, lãnh đạo TP có thể lựa chọn và trao trách nhiệm (theo cơ chế riêng) cho Liên hiệp Hội chủ trì một số dự án KHCN. Định kỳ tổ chức tôn vinh những đóng góp thực chất rất đa dạng của các trí thức, các nhà khoa học cho Thủ đô để khích lệ họ, đồng thời khích lệ các thế hệ trẻ tài năng luôn hướng về Thủ đô, đến với Thủ đô, ở lại làm việc lâu dài cho Thủ đô để xây dựng Thủ đô phát triển.
Hà Nội cũng cần tổng kết đánh giá những việc rất cụ thể, tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân như: Chỗ giải trí, vui chơi cho nhân dân, vấn đề vỉa hè, lòng đường, rác thải… Sau tổng kết đánh giá nên công bố công khai minh bạch, nơi nào làm tốt, nơi nào chưa làm tốt,thậm chí ai gây cản trở cần xử lý và có lộ trình khắc phục .
"Những việc này đã tồn đọng lâu, tuy rất khó nhưng nếu quyết tâm và áp dụng KHCNvào quản trị thì chắc chắn sẽ làm được và trong những nội dung trên. Nếu Thành phố thấy khâu nào có thể giao cho đội ngũ cán bộ khoa học thì chúng tôi xin sẵn sàng tham gia với tinh thần trách nhiệm của mình", bà An nhấn mạnh.