Khi làm các bài toán hình học không gian, thí sinh chú ý hình vẽ có sẵn trên đề bài, vẽ thêm hoặc đặc biệt hoá bài toán để tìm ra lời giải bài toán. Có thể cân nhắc sử dụng phương pháp tọa độ để giải toán, tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi rèn luyện tính toán nhiều, có thể tốn thời gian.
Trong thời gian ôn tập còn lại cho đến ngày dự thi tốt nghiệp, thầy Phan Quốc Duy gợi ý thí sinh cần bám sát nội dung đề minh hoạ của Bộ GDĐT, tham khảo thêm các đề thi thử của Sở GDĐT và các trường THPT các tỉnh thành. Điều này sẽ giúp thí sinh làm quen với nhiều dạng câu hỏi, có thêm kinh nghiệm và kỹ thuật làm bài thi.
Trong thời gian ôn tập, thử sức với các đề tham khảo, thí sinh cần rèn luyện thói quen làm đến câu nào thì tô đáp án ngay cho câu đó, không “để dành” tô một lượt.
Thầy Phan Quốc Duy khuyên thí sinh, cùng với giải để thi thử thì cần dành thời gian sửa đề để rút ra được nhiều kinh nghiệm làm bài. Phải chú ý những lỗi sai, những nội dung dễ nhầm lẫn để tránh lặp lại những sai sót trong khi làm bài thi thật.
“Học sinh cần học kỹ 6 chuyên đề của kiến thức lớp 12 như khảo sát hàm số, mũ và logarit, hình học không gian, tích phân, số phức, hình học giải tích. Các em cần ôn tập tất cả các kiến thức căn bản vì kiến thức căn bản trong đề minh họa chiếm khoảng 7,6 điểm. Với kiến thức lớp 11, học sinh cần nắm chắc các nội dung gồm: Công thức tổ hợp, xác suất, nhị thức Newton, cấp số cộng và nhân, Hình học không gian” – thầy Phan Quốc Duy gợi ý.