Các nghị sĩ ‘nổi loạn’ ở Anh bị khiển trách vì bỏ phiếu chống lại chính phủ

23/01/2024, 14:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 22/1, toàn bộ 11 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền không nằm trong nội các Chính phủ Anh (backbench MPs) đã bị Trưởng ban Kỉ luật của chính đảng này, ông Simon Hart, triệu tập để khiển trách vì bỏ phiếu chống lại Dự luật đưa người nhập cư trái phép đến Rwanda (Dự luật Rwanda) của chính phủ nước này giữa tuần trước.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman (trái) và cựu Bộ trưởng Di cư Robert Jenrick (phải) là hai trong số 11 nghị sĩ

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman (trái) và cựu Bộ trưởng Di cư Robert Jenrick (phải) là hai trong số 11 nghị sĩ "nổi loạn" trong cuộc bỏ phiếu gần nhất đối với Dự luật Rwanda.

Trong số những nghị sĩ bị triệu tập, hai cái tên đáng chú ý nhất là cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman và cựu Bộ trưởng Di cư Robert Jenrick, những người đã nhiều lần chỉ trích công khai Dự luật Rwanda kể từ khi rời khỏi nội các chính phủ nước này.

Người chủ trì các cuộc gặp với từng cá nhân trong số 11 nghị sĩ nêu trên là Trưởng ban Kỉ luật đảng Bảo thủ, ông Simon Hart, người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các nghị sĩ bỏ phiếu theo đường lối vạch ra để Chính phủ Anh có thể giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện nước này.

Các nhân vật cấp cao trong Chính phủ Anh cho biết đây là một giao thức bình thường trong trường hợp xảy ra sự “nổi loạn” quy mô lớn như trong các cuộc bỏ phiếu liên quan đến Dự luật Rwanda vừa qua, đồng thời cho biết các nghị sĩ nếu như tiếp tục biểu hiện như vậy ở các cuộc bỏ phiếu trong tương lai, sẽ có nguy cơ bị đình chỉ tư cách đảng viên trong Hạ viện Anh và phải trở thành nghị sĩ tự do.

Đây cũng được cọi là biện pháp để Thủ tướng Anh Rishi Sunak “chấn chỉnh” những nghị sĩ “nổi loạn”, trong bối cảnh quyền lực cũng như vai trò lãnh đạo của vị thủ tướng gốc Ấn Độ đã bị chính các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ “đặt dấu hỏi lớn” trong tuần qua.

Phố Downing có thẩm quyền cách chức thành viên nội các và đình chỉ các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền có hành động bỏ phiếu chống lại chính phủ. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhiều khả năng sẽ không vận dụng điều luật này để tránh tạo ra những sự hỗn loạn lớn hơn trong chính đảng này, điều tối kỵ trong bối cảnh năm nay sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

Trước sự việc 11 nghị sĩ đảng Bảo thủ bỏ phiếu không thông qua “lần đọc thứ ba” (third reading) của Dự luật Rwanda hôm 17/1, ông Sunak cũng phải đối mặt với sự “nổi loạn” lớn nhất trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền kể từ khi lên nắm quyền khi 60 nghị sĩ thuộc chính đảng này bỏ phiếu ủng hộ việc điều chỉnh dự luật này theo hướng cứng rắn hơn, đi ngược lại kế hoạch đã được đề ra của chính phủ nước này.

Ở một diễn biến khác, Thượng viện Anh cũng đã bỏ phiếu thông qua việc “trì hoãn” phê chuẩn Dự luật Rwanda, bất chấp những lời “nhắc khéo” từ ông Sunak trong cuộc họp báo gần nhất, cho đến khi chứng minh đầy đủ rằng Rwanda là một quốc gia an toàn, đồng thời chính phủ quốc gia Đông Phi cải tổ hệ thống tị nạn của mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nghị sĩ ‘nổi loạn’ ở Anh bị khiển trách vì bỏ phiếu chống lại chính phủ