Tương tự Mỹ, tại Canada, sách giáo khoa chỉ là một trong nhiều tài liệu giảng dạy nên không có tình trạng phụ thuộc vào sách giáo khoa. Chính quyền bang và cơ quan giáo dục bang có toàn quyền đối với giáo dục như lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng khung chương trình...
Sách giáo khoa tại Canada cũng được các nhà xuất bản tư nhân đảm nhiệm. Một số nhà xuất bản nổi tiếng ở nước này có thể kể đến như Thomson, McGraw-Hill Ryerson, Pearson, chiếm khoảng 92% thị trường sách giáo khoa. Do quy mô của thị trường sách giáo khoa tại Canada tương đối hạn chế, các nhà xuất bản cố gắng tối đa hóa số lượng sách có thể bán.
Đơn cử, có sự khác nhau giữa sách giáo khoa các môn bắt buộc và các môn tự chọn. Các môn bắt buộc là những môn học dành cho tất cả học sinh phổ thông như Toán, Tiếng Anh, Khoa học, Địa lý... nên quy mô thị trường sách giáo khoa sẽ lớn hơn. Do đó, đối với những môn học bắt buộc, các nhà xuất bản thường cung cấp sách cạnh tranh với nhau.
Nhưng với các môn tự chọn, tức là môn không bắt buộc như Kinh doanh, Công nghệ, Kinh tế, Triết học..., các nhà xuất bản có xu hướng chia nhỏ thị trường này để có rất ít hoặc gần như không có sự cạnh tranh. Ví dụ, nếu một nhà xuất bản đang tiến hành biên soạn sách môn Kinh tế, Triết học, các nhà xuất bản sẽ hạn chế xuất bản sách tương tự.
Giáo dục tại Canada là miễn phí. Học sinh công lập, kể cả học sinh người nước ngoài, không phải mua sách giáo khoa.
Ngược lại, Australia không có sách giáo khoa. Các nhà xuất bản Australia vẫn in ấn các tài liệu phục vụ học tập trong chương trình phổ thông, dựa theo khung chương trình do cơ quan giáo dục các bang xây dựng. Nhưng họ không gọi đó là sách giáo khoa mà là tài liệu dạy và học. Bộ Giáo dục và cơ quan giáo dục địa phương cũng không lựa chọn sách giáo khoa cho các môn học.
Dựa trên khung chương trình, giáo viên có thể chọn tài liệu, sách để giảng dạy hoặc thậm chí tự do sáng tạo, thiết kế chương trình dạy phù hợp. Học sinh có thể mua sách bài tập để bổ trợ kiến thức. Giáo dục công lập tại Australia là hoàn toàn miễn phí.