Các nước quản lý học sinh công lập như thế nào?

Phạm Khánh (t/h) | 26/07/2022, 06:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại Singapore, Hàn Quốc, giáo dục công lập được đánh giá cao bởi sự đầu tư và hỗ trợ xuyên suốt của chính phủ lẫn Bộ Giáo dục.

Chỉ tiêu tuyển sinh được quy định theo điều kiện của từng địa phương và các trường không được phép tuyển sinh vượt quá số lượng quy định. Nếu bị phát hiện, người đứng đầu trường học sẽ bị kỷ luật, thậm chí là đuổi việc nhưng học sinh không phải chuyển trường để không gây ảnh hưởng thể chất lẫn tinh thần.

Theo quy định của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, văn phòng giáo dục địa phương phải thanh tra trường học trên địa bàn 1 - 3 năm/lần về các nội dung như phương pháp dạy học, chương trình giảng dạy, hoạt động giáo dục... Tuy nhiên, thay vì phạt nếu trường học có vấn đề về thanh tra, văn phòng giáo dục sẽ đưa ra lời khuyên cho ban giám hiệu nhằm cải thiện chất lượng. Quy định này được đánh giá là nhân văn, cầu tiến và công bằng giữa các trường học.

Các nước quản lý học sinh công lập như thế nào? ảnh 2

Anh đối mặt với tình trạng bùng nổ sĩ số lớp học.

Bùng nổ sĩ số lớp học

Trong khi Singapore, Hàn Quốc ngày càng có nhiều cơ hội đầu tư cho giáo dục do tỷ lệ sinh giảm, số lượng trẻ đi học giảm thì Trung Quốc và nhiều nước phương Tây phải xoay xở với tình trạng bùng nổ sĩ số lớp học trong thập kỷ gần đây.

Đơn cử, theo khảo sát tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào năm 2016, hơn 40% lớp tiểu học, THCS có sĩ số quá đông. Trường Tiểu học Thực nghiệm quận Mudan, thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, có hơn 5.000 học sinh và sĩ số trung bình là 80 em, gần gấp đôi tiêu chuẩn quốc gia là 45 em/lớp tiểu học và 50 em/lớp THCS. Mỗi học sinh có 3,75 m2 vui chơi trong khuôn viên trường, thấp hơn quy định 6,75 m2 của ngành Giáo dục tỉnh Sơn Đông.

Để giải quyết tình trạng này, thành phố Sơn Đông đã cam kết chi 122 tỷ nhân dân tệ (19 tỷ USD) để xây dựng gần 3.000 trường tiểu học, THCS, bổ sung thêm 55 nghìn phòng học, thuê thêm 110 nghìn giáo viên vào năm 2017.

Đầu tư ngân sách mở trường, thuê giáo viên cũng là hướng giải quyết của Bộ Giáo dục Anh. Nghiên cứu của Anh vào năm 2015 chỉ ra cứ 20 lớp tiểu học có một lớp vượt quá quy định sĩ số tối đa là 30 học sinh. Ước tính cùng năm, số học sinh tiểu học ở Anh đã tăng 2%, tương đương 94 nghìn em. Do đó, nhiều trường học trên toàn quốc không thể tuân thủ quy định sĩ số tối đa 30 em.

Do đó, Chính phủ Anh đã phân bổ 5 tỷ bảng từ năm 2011 – 2015 cho chính quyền các địa phương để xây dựng trường học mới. 6 năm tiếp theo, chính phủ đầu tư thêm 7 tỷ bảng để đầu tư cơ sở vật chất và thuê giáo viên cho trường này. Các chương trình hỗ trợ kéo dài đến tháng 9/2021.

“Chính phủ đã mở hơn 250 trường công lập từ năm 2010 và chúng tôi cam kết xây dựng thêm 500 trường học mới nhằm đảm bảo học sinh trên cả nước đều được hưởng nền giáo dục tốt nhất tại địa phương”, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh cho biết.

Theo quy định của Bộ Giáo dục Singapore, thiết kế của mỗi trường học cần phải có ít nhất 2 lối ra độc lập. Tại trường tiểu học, trung bình mỗi lớp có 29 học sinh và 33 – 34 học sinh đối với bậc trung học. Đối với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), quy mô lớp học trung bình lần lượt là 21 và 24 với bậc tiểu học và trung học. Một trường học có không quá 1.200 học sinh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cac-nuoc-quan-ly-hoc-sinh-cong-lap-nhu-the-nao-post602044.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cac-nuoc-quan-ly-hoc-sinh-cong-lap-nhu-the-nao-post602044.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nước quản lý học sinh công lập như thế nào?