Tính đến thời điểm này, hơn 30 trường đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023.
Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn giữ ổn định như năm 2022.
Ngoài 17 tỉnh, thành phố như năm 2022 (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ), năm nay Đại học Quốc gia TP.HCM mở rộng địa điểm thi thêm 4 tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 vào ngày 26/3, đợt 2 ngày 28/5. Thí sinh có thể tham gia cả 2 đợt thi, đợt nào có kết quả cao nhất sẽ được dùng để xét tuyển.
Như vậy, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2023, thí sinh có thêm 1 kỳ thi quan trọng là đánh giá năng lực vì tăng thêm cơ hội cho các em vào những trường có độ cạnh tranh cao.
Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực (HSA) trong năm 2023, từ tháng 3 đến 6, thời gian đăng ký từ 6/2.
Theo công bố của Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 4/1, các đợt thi được tổ chức tại 6 tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng số địa điểm thi đặt tại các địa phương là 17, tăng hai so với năm 2022.
Về lịch thi, cả 8 đợt thi đều được tổ chức vào cuối tuần, từ 10/3 đến 4/6, nhằm thuận tiện cho thí sinh di chuyển. Thí sinh bắt đầu đăng ký từ 6/2 cho các đợt thi tháng 3-4, đến 18/3 đăng ký cho các đợt tháng 5-6. So với năm 2022, thời điểm kết thúc đợt thi cuối của năm nay sớm hơn 1,5 tháng.
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến phục vụ 86.000 lượt thí sinh, trong đó hai đợt thi vào giữa và cuối tháng 5 đông nhất, mỗi đợt 15.000.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM không dùng chung đề vì mục đích là khác nhau nhưng công nhận kết quả của nhau để thí sinh không phải tham gia nhiều kỳ thi.
Thời gian tới, ĐHQG TP HCM và ĐHQG Hà Nội sẽ công bố thang điểm đối sánh để các trường ĐH sử dụng xét tuyển.