TS Trần Bá Trình thông tin, đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn thi và sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy. Các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Kỳ thi được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức 1 hoặc 2 đợt hàng năm vào cuối tháng 4 và tháng 5.
Nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - phân tích, từ năm 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích công nhận tốt nghiệp là chủ yếu. Các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học nhằm đánh giá năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét tuyển đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của các trường đại học tăng dần và chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm dần.
Thí sinh chờ vào phòng thi kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – năm 2022. Ảnh: NTCC |
Theo lộ trình, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình GDPT 2018.
“Từ thực tiễn nêu trên, việc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng và tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy là cần thiết và có tính cấp thiết cao. Qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyển sinh đại học trong cả nước” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, năm 2023, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. ThS Nguyễn Ngọc Trung – Phó Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, dự kiến kỳ thi sẽ được tổ chức nhiều đợt trong năm, giúp thí sinh có nhiều cơ hội để dự thi và xét tuyển theo ngành học mà mình yêu thích và có thế mạnh.
Hiện nay, một số trường đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực theo hình thức 1 bài thi đánh giá năng lực chung. Trong khi đó, đối với một số ngành học của Trường ĐH Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh cũng như một số trường đại học khác, thí sinh cần có những năng lực chuyên biệt cụ thể, phù hợp với tính chất của ngành học. Chẳng hạn, thí sinh dự thi vào ngành Sư phạm Toán học thì cần được đánh giá năng lực Toán học để khẳng định mức độ phù hợp với ngành học cũng như khả năng tiếp thu các kiến thức ngành trong quá trình học tập ở bậc đại học.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ đóng vai trò quan trọng trong bức tranh tuyển sinh hiện nay ở Việt Nam. Đặc biệt, theo định hướng hiện nay, khi mà Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ dần chỉ tập trung vào mục tiêu xét tốt nghiệp THPT thì kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ giúp các trường có đủ dữ liệu để sử dụng cho công tác tuyển sinh của mình.
Năm 2022 công tác tuyển sinh đại học có nhiều cải tiến về kĩ thuật. Yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học trong kỳ tuyển sinh năm 2023 là, hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.