Các trường nghề thay đổi cách tuyển sinh truyền thống

Anh Tú | 24/02/2022, 06:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các trường đại học ngày càng đa dạng phương thức, thời gian xét tuyển. Để thích ứng, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (CĐ, TCCN) buộc phải thay đổi kế hoạch tuyển sinh truyền thống.

Hiện, ngoài nguồn tuyển chính theo 2 phương thức truyền thống, hầu hết các trường đều phải tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp để ký cam kết, hợp tác và đào tạo theo địa chỉ. Thậm chí, để hút người học, các trường CĐ buộc phải đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, đội ngũ để mở thêm các hệ CĐ chất lượng cao, CĐ Quốc tế (sinh viên có thể liên thông ĐH, học tập các chương trình chuẩn quốc tế, học trường ĐH danh tiếng mà trường có ký kết hợp tác) và cam kết đầu ra việc làm với người học.

Những hệ đào tạo này không chỉ “cứu vớt” chỉ tiêu chung hàng năm cho các trường, mà còn mang đến cơ hội việc làm lớn cho người học, giúp họ sớm gia nhập thị trường lao động”, TS Lê Lâm chia sẻ.

Học sinh thực hành nghề Chăm sóc sắc đẹp tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành.

Tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng

Với các trường CĐ thì sự tiếp cận thí sinh có vẻ vẫn còn nhiều sự lựa chọn và cách thức tiếp cận hơn các trường TCCN. Để thay đổi định kiến của người học, nhiều trường TCCN đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tuyên truyền và tư vấn hướng nghiệp song hành với lộ trình tuyển sinh của các trường ĐH - CĐ. Có trường sẵn sàng mất chi phí để được tham gia chung sân tư vấn với các trường “chiếu trên” để tư vấn, hướng nghiệp và đẩy mạnh công tác tuyển sinh. Tuy vậy, theo thừa nhận của ông M.N.H - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Hùng Vương (TPHCM), mọi thứ vẫn là rất khó khăn.

“Tỉ lệ học sinh chọn trường nghề thông qua các buổi tư vấn, hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT vẫn là rất nhỏ nhoi nếu không muốn nói là không có. Tâm lý chọn học ĐH - CĐ nơi học sinh vẫn còn rất lớn”, ông H nói.

Để tồn tại trong bối cảnh không thể tuyển được học sinh theo học, nhiều trường TCCN buộc phải lấy ngắn nuôi dài để thực hiện chiến lược và tầm nhìn dài hạn trong tuyển sinh và đào tạo của mình.

Theo Th.S Hoàng Quốc Long - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, hiện nay ngoài việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình ngắn hạn, chương trình liên kết thì nhiều trường đang thực hiện chiến lược tuyển sinh đào tạo theo kiểu “tuyển tận nơi, giao người tận chỗ” với doanh nghiệp.

“Chúng tôi chọn cho mình hướng đi không mới nhưng hiệu quả nhất chính là đào tạo cho đơn vị. Ngoài các hợp đồng ký kết cung ứng nhân lực, công nhân lành nghề cho các tập đoàn, đơn vị là đối tác nước ngoài (chương trình du học có lương, lao động có tay nghề đi nước ngoài), nhà trường còn trực tiếp đi tìm kiếm đầu ra từ doanh nghiệp trong nước để tuyển sinh và cam kết đầu ra việc làm với người học.

Các chương trình này người học không chịu nhiều chi phí, thậm chí còn được hỗ trợ ngược chi phí sinh hoạt hàng tháng để chuyên tâm học tập, học nghề. Ngay khi người học hoàn thành khóa học, các đơn vị đặt hàng trước sẽ tiếp nhận và sắp xếp công việc ngay. Riêng với các chương trình trung cấp chính quy, ngoài chính sách hỗ trợ học phí, học bổng doanh nghiệp, chúng tôi chọn con đường xây dựng chất lượng đào tạo và dịch vụ phục vụ người học thật tốt để khẳng định thương hiệu của mình”, Th.S Long nói.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Chuyên gia tư vấn tuyển sinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, việc các trường CĐ - TCCN làm mới mình, đổi mới phương thức tuyển sinh và đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất là điều rất đúng đắn nhằm thu hút người học, nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Cái cần nhất và đủ đầy hơn cho sự cân bằng trong hệ thống đào tạo nhân lực chính là công tác phân luồng và công tác tuyên truyền. “Chúng ta cần phải có một chiến lược tổng thể, hài hòa giữa các bộ, ngành, cấp bậc đào tạo trong toàn hệ thống một cách chỉn chu và có tầm nhìn một cách chắc chắn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/cac-truong-nghe-thay-doi-cach-tuyen-sinh-truyen-thong-nU1MjfBng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/cac-truong-nghe-thay-doi-cach-tuyen-sinh-truyen-thong-nU1MjfBng.html
Bài liên quan
Trường nghề dùng Robot thay sinh viên nhận bằng tốt nghiệp
Lần đầu tiên ở Việt Nam, một trường nghề đã ứng dụng công nghệ Robot nhận bằng tốt nghiệp thay cho gần 600 học sinh, sinh viên trong mùa dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trường nghề thay đổi cách tuyển sinh truyền thống