Cách nào giải cơn khát nhân lực ngành vận tải biển, cảng biển?

Anh Tú | 14/10/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với bờ biển dài 3.260 km nhưng nguồn nhân lực ngành vận tải biển, cảng biển của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về Nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý cảng và logistics do Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM vừa tổ chức.

Nhân lực còn nhiều hạn chế

TS Đinh Gia Huy - giảng viên Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM - cho biết, Việt Nam là một trong 4 quốc gia của khu vực Đông Nam Á có tiềm năng phát triển cả cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics (đứng thứ 3 chỉ sau Singapore và Thái Lan).

Hiện, cả nước có 34 cảng biển, 296 bến cảng được công bố khai thác với tổng chiều dài khoảng 96km, công suất thông qua khoảng 750 triệu tấn/năm. 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương duy nhất có đến 52 dự án cảng, đã đưa vào khai thác được 26 dự án, công suất khoảng 76,5 triệu tấn/năm.

“Theo khảo sát, số lao động phục vụ cho một cảng biển trên địa bàn tỉnh này dao động từ 200 - 300 người. Nếu 52 dự án cảng đi vào hoạt động thì nguồn nhân lực chuyên ngành cảng phải cần khoảng 13.000 lao động.

Dù nhu cầu lao động rất lớn, tuy nhiên, nguồn nhân lực cảng biển, logistics làm việc tại cảng Bà Rịa – Vũng Tàu được đào tạo chính quy chỉ khoảng 10%...”, TS Huy nói.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhìn nhận, nhân lực ngành cảng và logistics tại Việt Nam hạn chế kiến thức và kỹ năng, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ phát triển của logistics thế giới. Trình độ tiếng Anh nghiệp vụ cảng và logistics cũng tương tự. Kết quả khảo sát Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam mới đây cho thấy, chỉ có 29% nhân viên được đánh giá tốt về khả năng sử dụng tin học và ngoại ngữ. Do đó, cần nhân rộng nguồn nhân lực cảng để phù hợp với sự phát triển và đổi mới của hệ thống.

Cách nào giải cơn khát nhân lực ngành vận tải biển, cảng biển? ảnh 1

Nhân lực ngành vận tải biển, cảng biển của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu. Ảnh minh họa

Cần nhân lực có kỹ năng và lành nghề

TS Đinh Gia Huy nhận định, cảng không chỉ là nơi vận chuyển, mà còn được sử dụng làm kho hoặc trung tâm phân phối, cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng như dán nhãn, đóng gói… Các cảng ngày càng phát triển hiện đại, thay đổi phù hợp với thị trường thương mại thế giới, cùng với sự kết hợp công nghệ 4.0, container hóa, các hình thức cơ giới hóa xếp dỡ hàng hóa… nên nhu cầu về nhân lực cũng thay đổi rất nhiều.

“Yêu cầu với những người làm việc tại cảng đã thay đổi hoàn toàn, không chỉ bao gồm các kỹ thuật quản lý, mà còn phải có cả kỹ năng về hệ thống truyền thông và công nghệ hiện đại như sử dụng các thiết bị liên lạc vô tuyến và máy tính. Theo đó, nhân viên cảng sẽ cần những kỹ năng và kiến thức phức tạp hơn nhiều so với những gì họ từng được yêu cầu trong quá khứ”, TS Huy nói.

Theo TS Nguyễn Trọng Trung, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, quy mô xấp xỉ 40 - 42 tỷ USD/năm, đóng góp 2 - 4% GDP cả nước. Có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế.

Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 người, trong khi khả năng đáp ứng chỉ khoảng 10%. Còn nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cho các doanh nghiệp.

“Đây rõ ràng là bài toán nhân lực mà ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam (kinh tế biển) cần phải nhanh chóng khắc phục nếu muốn giá trị khai thác và tỷ trọng các ngành hàng kinh tế gia tăng. Để nhanh chóng có nguồn nhân lực đáp ứng, ngoài chiến lược đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng thì các chính sách về phát triển nhóm nhân lực ngành nghề này cũng cần được Nhà nước chú trọng nhiều hơn”, TS Trung lưu ý.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Trưởng bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng của Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG - TPHCM), chia sẻ, ngành logistics có tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo ra cơ hội việc làm lớn cho sinh viên theo học các chuyên ngành này. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng các trường, đơn vị đào tạo ngành học logistics cũng tạo ra những thách thức cho sinh viên. Sinh viên phải học làm sao, học như thế nào để có đủ kiến thức, đủ tự tin, đủ khả năng cạnh tranh khi tham gia thị trường lao động…

Theo đó, để thích ứng với những biến động và rủi ro, sinh viên cần trang bị thêm các kỹ năng về nghề nghiệp, thái độ ý thức (làm việc độc lập, kỷ luật…), năng lực quản lý (phân tích và xử lý tình huống, thương lượng, đàm phán…), phát triển năng lực sáng tạo, chịu áp lực cao… Ngoài ra, các bạn cũng cần nắm bắt các thông tin trong ngành để có thêm cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Theo nhận định của các chuyên gia, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động logistics ở thập niên thứ ba của thế kỷ 21 sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt sẽ tập trung vào một số xu thế như big data, blockchain, logistics đô thị, trung tâm logistics, chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch vụ giá trị gia tăng (VAS - Valued Added Service)... Cuộc cách mạng này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm của lĩnh vực logistics, đòi hỏi nhân lực logistics cần đáp ứng được những yêu cầu mới của doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách nào giải cơn khát nhân lực ngành vận tải biển, cảng biển?