Cái khó của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

28/06/2023, 09:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, nhân lực, chi phí sản xuất cũng như mối liên kết trong ngành.

Công nghiệp hỗ trợ, theo định nghĩa của Chính phủ, là “các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh”. Như vậy, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô là hệ thống các cơ sở sản xuất và công nghệ sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp ôtô.

Trung bình một chiếc ôtô có khoảng 20.000-30.000 linh kiện và bộ phận khác nhau. Do đó, để sản xuất một chiếc xe hoàn chỉnh phải cần đến rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam gặp những khó khăn riêng trong sản xuất và kinh doanh.

Khó khăn khi cạnh tranh về quy mô

Theo một thống kê của Bộ Công Thương, trong khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam, chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Trong đó, tỷ lệ sản xuất sử dụng cho doanh nghiệp nội địa là 10-20%. Đây là con số đáng buồn khi so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc. Khoảng 60-70% phụ tùng, linh kiện tại các quốc gia này do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Theo lý giải, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ nền lạc hậu và chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, với thị trường nhỏ, chưa đủ quy mô sản xuất, giá thành cao, sức cạnh tranh thấp, nên thương hiệu và thị phần của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.

co khi Viet Nam anh 1

Tỷ lệ doanh nghiệp phụ tùng, linh kiện tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 35%.

Theo các chuyên gia, sản xuất của công nghiệp hỗ trợ trong ngành ôtô là ngành thứ phát, bởi nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc sản xuất không phải là để cung ứng ra thị trường, đến tay người tiêu dùng cuối cùng, mà là sản phẩm trung gian, là những yếu tố đầu vào cho việc sản xuất, lắp ráp sản phẩm chính yếu cuối cùng là ôtô.

Với đặc điểm này, quy mô và cơ cấu sản xuất phụ thuộc trực tiếp vào nhu cầu của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và quốc tế. Do đó, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh phụ thuộc đơn hàng và nguồn cầu của các doanh nghiệp khác. Do không chủ động được đầu ra một cách hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư lớn về máy móc, trang thiết bị hiện đại để mở rộng quy mô.

Trong khi đó, từ lâu, các quốc gia bên cạnh như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện trong nước. Các doanh nghiệp này được ưu đãi nhiều về thuế, phí, mặt bằng, cơ chế chính sách…nên mở rộng nhanh chóng, vươn lên trong chuỗi cung ứng. Khi quy mô sản xuất càng lớn, chi phí lại càng thấp, sản phẩm bán ra càng rẻ.

co khi Viet Nam anh 2

Bài toán “con gà, quả trứng” đang làm các doanh nghiệp Việt không còn mặn mà sản xuất trong nước bởi giá thành và chi phí cao.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại, nhiều doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước ưa chuộng nhập khẩu các linh kiện, thiết bị hơn là mua của các doanh nghiệp Việt Nam với giá thành cao.

Bài toán “con gà, quả trứng” đang làm các doanh nghiệp Việt không còn mặn mà sản xuất trong nước bởi giá thành và chi phí cao. Theo các chuyên gia, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi bàn tay của Nhà nước với các chiến lược mang tầm quốc gia. Cần có các cơ chế chính sách ưu đãi, hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, thậm chí là bắt buộc sản xuất các sản phẩm tại Việt Nam, từ đó giúp doanh nghiệp tăng quy mô, hạ giá thành, cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

Khó khăn về nhân lực, năng lực và liên kết

Theo Bộ Công Thương, một cái khó nữa là lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất.

Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp, khả năng chấp nhận rủi ro để thực thi các điều chỉnh, cải cách thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức quản lý...

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa phong phú về chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao…

co khi Viet Nam anh 3

Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm.

Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ôtô, xe máy… hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất còn manh mún, bị động, chi phí cao.

Nguyên phụ liệu trong nước chỉ có cụm ở các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với tỷ trọng thấp. “Điều này dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt Nam thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong các ngành này hạn chế…”, Bộ Công Thương đánh giá.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần lựa chọn chiến lược phát triển với cơ cấu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thích hợp với trình độ phát triển của quốc gia trong từng giai đoạn.

co khi Viet Nam anh 4

Thaco Industries đã phát triển tổ hợp công nghiệp hỗ trợ ở Chu Lai, đáp ứng nội địa hóa là 17-42% đối với một số dòng xe. Ảnh: Việt Linh.

Theo đó, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ôtô thường thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đặc điểm này cho thấy, Chính phủ nếu có chính sách và chiến lược phát triển hợp lý sẽ khuyến khích các doanh nghiệp này tham gia vào mạng sản xuất của các công ty ôtô lớn trên thế giới để từ đó tiếp nhận và thực hiện chuyển giao công nghệ nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp tiên phong phát triển công nghiệp hỗ trợ như Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - Thaco Industries (Tập đoàn thành viên của Thaco) tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, Quảng Nam.

Doanh nghiệp này đã phát triển tổ hợp công nghiệp hỗ trợ ở Chu Lai, đáp ứng nội địa hóa là 17-42% đối với một số dòng xe Kia, Mazda, Peugeot… Đồng thời, doanh nghiệp này cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại Quảng Nam và cả nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái khó của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam