Cai nghiện thiết bị điện tử cho con

Ngọc Trang | 09/01/2022, 16:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Ít thời gian quan tâm đến con, để trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề của thiết bị điện tử gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Hậu quả của nghiện thiết bị điện tử

Dịch bệnh kéo dài, người lớn mệt mỏi với nỗi lo sinh kế. Nhiều gia đình còn xoay đủ mọi hướng để có thu nhập. Ban ngày làm chưa hết việc cơ quan lại lo con trẻ ở nhà không có người trông nom. Vì vậy, giải pháp mà nhiều cha mẹ chọn là cho con xem điện thoại, mỗi đứa một góc. Bởi chỉ có như vậy, nhà cửa mới tĩnh lặng, yên ổn.

Cũng do dịch bệnh, suốt thời gian dài trẻ không được đên trường, con phải tự học nên nhiều trẻ có xu hướng đối phó cho xong để được xem điện thoại, chơi game. Vì vậy, lực học càng ngày càng sa sút, mắt phải đeo kính cận mỗi ngày một tăng độ.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (cán bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam) chia sẻ, có 2 con trai ở nhà, chị thường dặn con sau khi học trực tuyến xong thì được chơi ipad. Bởi nếu ngăn cấm không cho chơi, con thường xuyên gọi điện liên tục khiến bố mẹ không làm việc được. Chưa kể, nếu ở nhà chỉ có 2 đứa trẻ, chúng sẽ rất nghịch ngợm và sợ các vấn đề khác nguy hại có thể xảy ra như điện giật, cháy nổ, bỏng,…Kể cả buổi tối về nhà, chị cũng cảm thấy đỡ mệt hơn khi cho con xem điện thoại hoặc chơi game.

Thế nhưng, lâu dần, chị nhận ra, con trở lên thụ động, ít giao lưu với bạn bè, ngày càng có thái độ và hành vi khó hiểu, mức độ tiếp thu bài giảm sút. Nhất là đợt dịch nàu kéo dài, con ở nhà lâu nên rất hay cáu giận, mè nheo và thậm chí đập phá đồ đạc khi không được chơi điện tử.

Một số chuyên gia tâm lý nhận định, trường hợp trên là hình ảnh của nhiều gia đình trong mùa dịch này. Vì thế, ngày càng gia tăng số trẻ có dấu hiệu tự kỷ từ việc ảnh hưởng của các thiết bị điện tử khiến không kiểm soát được hành vi, cảm xúc. Điều này dẫn đến các hành động tiêu cực như la hét, đập phá mặc dù trước đây không có.

Bí quyết cai nghiện thiết bị điện tử

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: “Các bậc cha mẹ hãy ưu tiên sắp xếp cho trẻ thật nhiều cơ hội để có thể chơi những trò chơi và học tập bằng những cách tự nhiên, thực tế mà không cần phải sử dụng các phương tiện điện tử. Điều này giúp trẻ có thể thỏa sức sáng tạo. Khi ở nhà, cha mẹ cũng hạn chế sử dụng các thiết bị. Nếu cần làm việc với máy tính, hãy vào phòng riêng và làm việc khi không có con ở bên cạnh để làm gương”.

Chuyên gia Lê Minh Hằng cũng cho biết thêm, cần tập cho con chơi các trò chơi như chơi xếp hình, vẽ tranh, sưu tầm các vật phẩm thú vị như sưu tầm tem thư, sưu tầm lá cây có thưởng…

Ngoài ra, trong mùa dịch cần tăng cường các hoạt động vui chơi cùng nhau trong gia đình khiến con thích thú và quên dần các thiết bị điện tử.. Thậm chí, con hoạt động nhiều khiến ăn nhanh và ngon miệng hơn, ngủ cũng sâu giấc hơn. Bên cạnh đó, gia đình có thời gian gần gũi nhau, không khí vui vẻ, hạnh phúc hơn để cùng nhau vượt qua những căng thẳng mùa dịch.

Đối với con đã lớn, có sự nhận thức, cha mẹ cần giải thích rõ cho con về tác hại của thiết bị và lý do tại sao trẻ em phải tránh xa nó. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu trẻ hiểu được lý do, chúng sẽ có thái độ tự động tránh xa. Đặc biệt khi chúng không được tiếp xúc nhiều với thiết bị và có một lịch trình hoạt động dày đặc, chúng sẽ không hề có nhu cầu tiếp xúc với thiết bị vì vậy hoạt động chung trong gia đình là điều rất cần thiết để lấp đầy thời gian trống.

Thậm chí, với bé lớn, cha mẹ có thể chỉ cho con thấy những tác động của việc nghiện thiết bị. Có thể cho con đọc những bài viết của những bạn bị rối loạn tâm thần do nghiện game, những bài viết các bạn bị đột tử khi chơi game quá độ hay những hình ảnh mà hệ lụy của nghiện điện tử gây ra. Những thông tin này sẽ khiến con tự giác hơn trong việc tránh xa các thiết bị điện tử và chỉ dùng nó khi phục vụ việc học tập.

Bài liên quan
Rap "Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu vào đề thi ngữ văn
Nhiều học sinh lớp 12 ở TP HCM hào hứng đề thi thử môn ngữ văn của Trường THCS -THPT Trần Cao Vân về bài rap "Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cai nghiện thiết bị điện tử cho con