Phối cảnh dự kiến toà nhà tái định cư mới ở khu Thành Công. |
Trước kiến nghị của người dân chung cư Thành Công, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, hầu hết cư dân ở tòa G6A Thành Công đã di dời, vì vậy quận tính toán sẽ khởi công xây dựng công trình tái định cư trên phần đất của tòa G6A và G6B trước.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, quận sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư và tiếp tục mời người dân đến làm việc với các nhà đầu tư để họp bàn thống nhất hệ số đền bù.
“Tòa nhà tái định cư có vị trí đẹp, đường rộng, tầm nhìn ra hồ Thành Công. Đặc biệt, theo quy hoạch, vị trí này được phép xây cao tầng nên có thể tính toán đủ cho các hộ dân của các nhà G6A, G6B, G22, G23, G24…”, ông Tạ Nam Chiến khẳng định.
Với 2 tòa thương mại đề xuất tại khu đất vị trí nhà G22, G23, G24 hiện tại, theo quy hoạch đây là đất công cộng, tuyệt đối không được bố trí nhà ở để chất tải thêm dân số. Tại đây, chỉ được phép xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn.
Trước băn khoăn của người dân đối với chất lượng tòa nhà tái định cư, Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin, sau khi phương án tổng mặt bằng này được thành phố thông qua, UBND quận sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để người dân được trực tiếp làm việc và lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy, cộng đồng dân cư được hoàn toàn chủ động lựa chọn chủ đầu tư tốt nhất.
“Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án là của người dân và người dân sẽ giám sát thi công công trình để đảm bảo chất lượng…”, ông Tạ Nam Chiến nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng cho biết thêm, theo Nghị định 69/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, hệ số K đang quy định từ 1 - 2 lần và người dân được thỏa thuận với chủ đầu tư trong khoảng quy định này.
Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình, đây mới là phương án dự thảo, phải xin ý kiến của người dân và các cơ quan chức năng. Trên cơ sở lấy ý kiến góp ý của người dân, quận Ba Đình sẽ trình lên cấp có thẩm quyền nghiên cứu phê duyệt, đảm bảo tính đồng bộ cho cả khu vực và có quỹ đất xây nhà tái định cư tại chỗ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 chung cư cũ, hầu hết trong số này đều đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố và các kế hoạch triển khai Đề án.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, việc triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố vẫn chậm và còn nhiều vướng mắc. Tính đến hết năm 2023, Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 19 khu tập thể, nhà chung cư cũ, bằng 1,14% tổng khối lượng công việc.