Dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của đồng bào người Thái được trưng bày. |
Không chỉ sưu tầm, ông Phúc còn nghiên cứu và có kiến thức sâu rộng về từng đồ vật. Ông giới thiệu, trong quá trình người dân giã gạo, để đỡ nhàm chán và mệt nhọc, thỉnh thoảng họ lại khua thêm một vài nhịp vào thành luống (cối giã gạo bằng gỗ).
“Tiếng gõ phát ra nghe vui tai, xua tan mọi phiền muộn trong những ngày lao động vất vả. Trải qua thời gian, tiếng gõ thành nhịp điệu, rồi trở thành một loại hình diễn xướng dân gian được người Thái biểu diễn trong các dịp lễ, Tết”, ông Phúc chia sẻ.
Trong căn nhà sàn chật kín đồ vật, thế nhưng ông Phúc vẫn cảm thấy tiếc nuối vì số lượng hiện vật, văn tự cổ ghi chép về các tập tục tâm linh sưu tầm được vẫn còn ít.
Người đàn ông này tâm sự, hiện nay nhiều người trẻ đã không còn biết nói chuyện, viết chữ Thái. Vì thế mà hàng năm, trong các dịp họp họ, ông Phúc luôn nhắc nhở các con, khi về nhà cố gắng phải nói chuyện với nhau bằng tiếng đồng bào.
Trong cuốn gia phả của dòng họ Vi, ông Phúc cũng biên soạn, lồng ghép rất nhiều phong tục, tập tục của đồng bào Thái, đặc biệt là tục lệ ma chay, cưới hỏi… với hy vọng con cháu sau này biết được.
Ông Phan Anh Tài, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Con Cuông cho biết, đồng bào Thái chiếm đến 72% dân số toàn huyện, công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc luôn được chính quyền địa phương quan tâm.
Ông Vi Văn Phúc bên những hiện vật sưu tầm. |
“Bộ sưu tập của ông Vi Văn Phúc chính là bảo tàng vô giá đối với đồng bào người Thái. Đây là một nỗ lực đáng khen ngợi, góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp, giá trị, phong tục truyền thống của dân tộc”, ông Tài chia sẻ.
Trong kế hoạch xây dựng huyện Con Cuông thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái vào năm 2030, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo phát huy bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch. Toàn huyện hiện đã xây dựng được 32 câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Thái, trong đó có một câu lạc bộ cấp huyện.
Đặc biệt, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025. Đây là tín hiệu tích cực, là động lực giúp bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Thái nói riêng.