Ngoài ra, chuông có sáu nhúm thỉnh chuông, hình dáng giống nhau, kích thước bằng nhau: 10cm, hình tròn hoa sen với 13 cánh sen lớn, lật úp, đều nhau, 13 cánh sen nhỏ cũng lật úp đều nhau, cánh to, cánh nhỏ bố trí xen kẽ nhau.
Đối với phần miệng chuông lại được trang trí 86 cánh hoa sen lập úp, viền cánh sen có hai đường gờ nổi, trong số đó có 43 cánh to, 43 cánh nhỏ nằm xen kẻ nhau bao quanh vành miệng chuông.
Trải qua bao biến thiên lịch sử, nhiều vị trí trên thân chuông do tác động bên ngoài đã biến đổi màu sắc
Hư hỏng theo thời gian
Có thể nói, ngoài việc in đậm những biến động lịch sử, chuông chùa Rối còn phản ánh các yếu tố văn hóa của Hà Tĩnh, Việt Nam và người Á Đông, nổi bật là Phật giáo.
“Vào thời nhà Trần, Phật giáo cực thịnh, phát triển đến đỉnh cao và trở thành quốc giáo. Nhiều vua Trần theo đạo Phật, nổi bật là Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) đã sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và đi tu. Giai đoạn các vua Trần trị vì chùa tháp được xây dựng ở nhiều nơi, đi kèm là việc cho đúc những quả chuông quý”, ông Trần Phi Công chia sẻ thêm.
Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cũng cho hay theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Duệ Tông sinh năm 1337, là con thứ 11 của Trần Minh Tông và Đôn Từ Hoàng thái phi, em của vua Trần Nghệ Tông. Trần Nghệ Tông truyền ngôi cho Trần Duệ Tông vào tháng 11-1372. Ông được đánh giá là vua coi trọng hiền tài, không đề cao yếu tố tôn thất. Các trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa do ông tuyển xuất thân bình dân, không trong hàng ngũ hoàng tộc.