Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên cũng mong muốn Luật Nhà giáo quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, huyện, xã trong việc đầu tư xây dựng trường, lớp, nhà công vụ để xây dựng môi trường làm việc an toàn trong nhà trường cho nhà giáo. Có cơ chế hỗ trợ về đất ở, nhà ở, nhà công vụ cho nhà giáo, để họ ổn định đời sống, yên tâm công tác gắn bó lâu dài tại địa phương…
Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. |
Nội dung thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ mẫu giáo do ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, trẻ 3 – 4 tuổi ra lớp từ 99% trở lên. Nếu Đề án phổ cập giáo dục mầm non 3 – 4 tuổi được xây dựng, thông qua, sẽ đặt ra nhiều vấn đề với Điện Biên do thiếu giáo viên (giáo viên mầm non thiếu trên 1.000 người), nhân viên, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Trong khi đó, đời sống nhân dân còn khó khăn, công tác huy động xã hội hóa còn hạn chế...
Vì vậy, Điện Biên đề xuất một số chính sách miễn học phí đối với trẻ ở các độ tuổi thực hiện phổ cập, nâng mức hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và có chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ đi lại cho giáo viên dạy ở điểm trường lẻ, chính sách hỗ trợ dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực trưa cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn...
Từ các ý kiến trao đổi, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ tổng hợp, nghiên cứu để phản biện, thẩm tra, xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét, thông qua vào thời gian tới.