Việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản lý và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được đẩy mạnh. Qua đó nâng cao hiệu quả trong lập kế hoạch, chỉ đạo, quản lý; xây dựng nền tảng số trong Giáo dục Mầm non; tăng tương tác giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Đại diện từ Sở GD&ĐT Kon Tum phát biểu về vấn đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ, đảm bảo cơ sở vật chất ở vùng khó khăn. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Giáo dục Mầm non vẫn còn những hạn chế bất cập. Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác quy hoạch, đầu tư tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân; tỷ lệ huy động trẻ ở một số địa phương còn thấp. Còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương và giữa các đối tượng.
Tỷ lệ phòng học kiên cố chung của các nước đạt 82,2% nhưng một số tỉnh tỷ lệ kiên cố hóa đạt 100% trong khi một số địa phương khác lại chỉ đạt 40%. Có địa phương đạt tỷ lệ 2 giáo viên/lớp trong khi nhiều tỉnh tỷ lệ này chỉ đạt 1,5 (tỷ lệ của cả nước là 1,86). Trẻ em khuyết tật và trẻ em yếu thế chưa được quan tâm thích đáng để được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp.
Phương hướng trong năm học tới, ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Giáo dục Mầm non. Tiếp tục thực hiện các chuyên đề, chương trình đổi mới nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, đảm bảo an toàn cho trẻ. Củng cố, phát triển mạng lưới trường lớp gắn với công tác sắp xếp, quy hoạch, đẩy mạnh xã hội hóa. Đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN. Chuẩn bị các điều kiện thực hiện thí điểm chương trình GDMN mới. Đồng thời tập trung các giải pháp thực hiện chủ đề “xây dựng trường mầm non hạnh phúc, tôn trọng quyền trẻ em”.
Đề thực hiện định hướng này, GDMN đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ cụ thể gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục. Rà soát sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng kiểm định và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Củng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo năm 2030. Nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục mầm non.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng lắng nghe nhiều ý kiến tham luận từ các tỉnh thành đại diện cho các vùng miền trong cả nước. Các tham luận chia sẻ thực tiễn thực hiện chính sách phát triển Giáo dục Mầm non; Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong nâng cao chất lượng công tác quản lý cơ sở và tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; thực hiện và nhân rộng hiệu quả chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non; công tác phổ cập Giáo dục Mầm non; phát triển đội ngũ…
Bên cạnh các tham luận, nhiều đại biểu cũng trực tiếp trao đổi tại Hội nghị về giải pháp, yếu tố đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Nhiều địa phương đã có lộ trình pháp phát triển đội ngũ, nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non. Để đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp cũng như nhu cầu của trẻ, phụ huynh, giải pháp trước mắt là hợp đồng giáo viên, nhưng cần nâng mức lương hợp đồng để giáo viên yên tâm công tác.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo về các giải pháp nhằm nâng chất lượng giáo dục mầm non. |
Về rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhiều đại biểu cho rằng việc sáp nhập phải đảm bảo hài hòa, không giảm cơ học, không sáp nhập trường mầm non vào trường phổ thông, khuyến khích hệ thống mầm non ngoài công lập để giảm áp lực cho trường công cũng như đáp ứng nhu cầu của trẻ, phụ huynh.
Nhiều đại biểu cũng đặt ra vấn đề trong tương lai, nhu cầu đưa trẻ đến trường ngày càng lớn mà cơ sở vật chất nhà nước không đảm bảo đủ. Khi tính toán đến giải pháp xã hội hóa giảm áp lực cho trường công, thì liên quan đến chính sách đầu tư, mà khó khăn nhất là vấn đề quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho giáo dục. Vì vậy, cần thay đổi nghị định, chính sách theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở mầm non ngoài công lập, quốc tế phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh điều đáng ghi nhận, và đáng mừng nhất trong năm học 2022-2023 vừa qua là hoạt động Giáo dục Mầm non đã trở lại hoạt động bình thường sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các chỉ số Giáo dục Mầm non có nhiều dấu hiệu khởi sắc, từ cơ sở vật chất, đội ngũ, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp… Cả xã hội quan tâm đến mảng Giáo dục Mầm non nhiều hơn và manh nha nhiều chính sách tốt hơn cho Giáo dục Mầm non trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra từ khóa “thiếu” như thách thức đối với giáo dục mầm non: đó là thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, cơ sở vật chất… nhưng chưa đi vào phân tích tại sao thiếu.
Đối với Giáo dục Mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Không mong gì hơn các cháu an toàn, các cô an tâm, cha mẹ an lòng. Như vậy ngành sẽ an thuận, và xã hội sẽ an tĩnh"!
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, một trong những vấn đề cần đặt ra, thống nhất, điều chỉnh về mặt tư tưởng, là toàn bộ hệ thống những người làm Giáo dục Mầm non kiến nghị nhiều hơn nữa, để khối Giáo dục Mầm non cần và được quan tâm xứng đáng hơn nữa. Tạo cơ sở, tiền đề cho Bộ tham mưu chính sách đối với các cấp ngành trung ương.
Đối với Bộ cũng xác định cần đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm phát triển Giáo dục Mầm non trên mọi phương diện. Thời gian vừa qua, đối với Giáo dục Phổ thông và Đại học đã được quan tâm. Sắp tới, ở tầm vĩ mô, mảng Giáo dục Mầm non sẽ được xác định là mảng trọng tâm, ưu tiên để đưa ra những chính sách nâng cao chất lượng.
Hiện nay, ngành chuẩn bị bắt tay thí điểm Chương trình Giáo dục Mầm non mới, Bộ trưởng nhấn mạnh khi triển khai phải cố gắng có chữ “đủ”. Rút kinh nghiệm từ triển khai chương trình GDPT 2018 bao gồm hệ thống chính sách, quy định, chuẩn bị nguồn lực cách thức triển khai khoa học, thử nghiệm, nhân rộng thận trọng. Trong đó phải “thông” từ xã hội, sự chia sẻ của phụ huynh bằng cách kiên trì thuyết phục.
Hiện Bộ cũng bước đầu sắp xếp lại các trường ĐH, CĐ, trong đó, nhiều đơn vị tích cực mở đào tạo Sư phạm Mầm non. Qua đó sẽ bổ sung nguồn giáo viên Mầm non cho các địa phương. Đồng thời tăng cường hỗ trợ, quản lý, giám sát đối với hệ thống ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ ngoài công lập nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh tiếp thu, lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đồng thời nhấn mạnh Giáo dục Mầm non sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học 2023-2024 và các năm tới. Năm nay, ngành đưa ra chủ đề xây dựng trường học hạnh phúc, tôn trọng của quyền của trẻ. Thứ trưởng cũng lưu ý Sở GD&ĐT trong công tác quản lý nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp cấp để triển khai các hoạt động giáo dục mầm non. Đặc biệt là vai trò tham mưu để ra các quyết sách giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.