Tuy nhiên, với một giáo viên mới ra trường, mức lương hiện nay không đủ để trang trải cuộc sống nên có nhiều thầy cô phải chuyển ngành. Một số em ra trường nhưng không đi dạy mà xin làm ở một số ngành khác do mức lương thấp. Vì thế giáo viên hiện nay thiếu rất nhiều, nhất là những năm tiếp theo, dự báo số lượng thầy cô nghỉ hưu nhiều.
"Rất mong Bộ trưởng xem xét và đề xuất mức lương tốt hơn cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian ngắn nhất", cô Nguyễn Thị Duyên phát biểu.
Trao đổi lại với những ý kiến phát biểu của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của giáo viên mầm non, trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng. “Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thấu hiểu điều này”, Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non.
Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.
Theo Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cũng chia sẻ: Ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý.
Ý kiến thầy cô trao đổi cũng nói đến giờ làm việc nhiều, chế độ trông trưa, số giờ trông trẻ dài hơn, đến sớm, về muộn… Theo Bộ trưởng, đây là một thực tế. Với số giờ lao động như vậy, thầy cô phải bỏ nhiều sức lực, ít còn thời gian phát triển chuyên môn, chăm sóc gia đình. Đó cũng là lý do nhiều người ngại ứng tuyển làm việc tại trường mầm non.
Một số địa phương đã có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tiền ngoài giờ cho giáo viên mầm non, nhưng hiện còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, bền vững bù đắp cho việc này. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.
Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Trong Diễn đàn Người lao động năm 2023, việc này tiếp tục được Bộ GD&ĐT nêu kiến nghị.
Về ý kiến liên quan đến phụ cấp nhân viên trường học, theo Bộ trưởng, đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn, do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai. Nếu thời gian tới sắp xếp lương theo chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, có thể là dịp điều chỉnh cho các đối tượng này.
Về ý kiến đề cập định mức giáo viên trên lớp, Bộ trưởng cho biết: "Khi chúng ta thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số môn học được điều chỉnh, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, hoạt động nhà giáo trong nhà trường có nhiều đổi mới, đương nhiên chúng ta cần điều chỉnh về định mức giáo viên/lớp và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục. Hiện Bộ GD&ĐT đang chủ trì sửa đổi Thông tư 16 liên quan đến vấn đề này".