Cần điều chỉnh một số quy định về kiểm định chất lượng giáo dục

Hải Bình | 08/03/2023, 06:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

PGS.TS Phạm Thị Hương, Trường ĐHSP TP.HCM chia sẻ những nội dung liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục và đưa giải pháp cho vấn đề này.

Đánh giá về vai trò, mối quan hệ của các bên liên quan đối với công tác kiểm định chất lượng giáo dục, PGS.TS Phạm Thị Hương cho rằng, đó chắc chắn là mối quan hệ tương hỗ.

Theo đó, với cơ quan quản lý nhà nước, tác động của chính sách là rất rõ ràng. Vì chính sách yêu cầu các bên liên quan thực thi. Nếu chưa đủ điều kiện chín muồi sẽ dễ dẫn đến đối phó. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào từng cơ sở giáo dục và vai trò của lãnh đạo cơ sở giáo dục là không thể phủ nhận.

Với trung tâm kiểm định, hiện nay hoạt động theo các quy định của Nhà nước và có hai nhóm trung tâm đang là thực tế của Việt Nam. Vấn đề của một nhóm là chưa độc lập về nhân sự với các trường ĐH; một nhóm là vấn đề phi lợi nhuận của hoạt động kiểm định chất lượng. Ngoài ra, còn có vấn đề chung với các trung tâm kiểm định là chất lượng các đoàn đánh giá (văn hóa đánh giá). Chất lượng của đội ngũ kiểm định viên và tính đồng nhất trong các quyết định đánh giá cũng là một vấn đề lớn.

Vai trò của cơ sở giáo dục dường như là quan trọng nhất trong những nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục. Trong bức tranh tổng thể, có những cơ sở giáo dục phát triển mạnh hơn, công tác bảo đảm chất lượng khởi sắc hơn là bởi vai trò của lãnh đạo nhà trường.

PGS.TS Phạm Thị Hương đồng thời cho rằng, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong gần như là vấn đề nan giải với các cơ sở giáo dục. Mức độ nhận thức về thế nào là hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cũng có nhiều khác biệt, nhiều quan điểm khác nhau. Việc triển khai xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong ở các nhà trường cũng rất đa dạng. Có trường chỉ dừng lại là hệ thống các phiếu khảo sát, có trường đã sử dụng được kết quả khảo sát cải tiến các hoạt động. Nếu chỉ quan niệm như vậy là chưa đủ và chưa thể gọi là hệ thống.

Từ đó, theo PGS.TS Phạm Thị Hương, nên có những hướng dẫn chung và triển khai tập huấn cho đến khi có được cách hiểu tương đối nhất quán về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và nhân sự có chuyên môn thì mới nên bàn đến ban hành chính sách, vì đó là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học coi đạt kiểm định là đích đến, trong khi điều quan trọng là việc không ngừng phấn đấu để ngày càng tốt hơn sau kiểm định. Theo PGS.TS Phạm Thị Hương, đây cũng là vấn đề nên bàn ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Sẽ làm gì với các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo chưa đạt một số tiêu chí, tiêu chuẩn (đã được cấp giấy và chưa cấp giấy chứng nhận)? Việc này liên quan đến một vấn đề đã nêu ở trên, là có nên điều chỉnh quy định bộ tiêu chí là các tiêu chuẩn tối thiểu (cần đạt hết mới được chứng nhận) hay không? Có nên đưa ra các quy định cho phép “treo” kiểm định, là động lực để các cơ sở giáo dục chuyển biến và cải tiến chất lượng cho đến khi đạt “tâm phục khẩu phục” tất cả các tiêu chí? Đưa các câu hỏi này, nhưng PGS.TS Phạm Thị Hương cũng khẳng định: Chất lượng phải là trách nhiệm của chính cơ sở giáo dục, nếu không cơ sở giáo dục đó chắc chắn sẽ bị đào thải trong tương lai.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/can-dieu-chinh-mot-so-quy-dinh-ve-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-post628951.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/can-dieu-chinh-mot-so-quy-dinh-ve-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-post628951.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần điều chỉnh một số quy định về kiểm định chất lượng giáo dục