Tại Hội thảo, nhiều nhà trí thức, khoa học đề xuất trong thời gian tới, cần định vị lại vị trí, sứ mệnh và cập nhật định nghĩa về trí thức cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc CMCN lần thứ 4, xác định sứ mệnh cao hơn cho trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách tạo môi trường làm việc tốt nhất cho đội ngũ trí thức, bảo đảm để trí thức được hưởng thỏa đáng lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo; bổ sung chính sách trọng dụng, sử dụng trí thức không phải là đảng viên. Các ý kiến phản biện của trí thức tại các diễn đàn cần được tôn trọng và không bị "chụp mũ", quy kết để trí thức có thể thẳng thắn trao đổi, góp ý với Đảng, Nhà nước. Đồng thời cần xây dựng và ban hành quy định về đạo đức trong nghiên cứu khoa học ở các tổ chức hội, hiệp hội khoa học…
Góp ý tại Hội thảo, GS. Nguyễn Lân Dũng, Hội Các ngành sinh học Việt Nam cũng đã chỉ ra một số vấn đề khó khăn cần vượt qua đối với các nhà khoa học. Đầu tiên phải kể đến là việc đừng để các công trình nghiên cứu khoa học trở thành các hồ sơ lưu trữ không có hiệu quả thực tế với đất nước.
GS. Nguyễn Lân Dũng bày tỏ: "Mong sao các đề tài nghiên cứu đều được hỗ trợ để các tác giả có thể đưa nghiên cứu đến được quy mô sản xuất thử, chứ không phải chỉ nghiệm thu để rồi… cất đi".
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chỉ khi nào các nhà khoa học nghiên cứu "đến nơi đến chốn", đưa nghiên cứu đến được sản xuất pilot (quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô phòng thí nghiệm, nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất), cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp thì mới có thể đưa ra sản xuất lớn.
"Tôi và các đồng nghiệp như cố GS. Nguyễn Hữu Thước trước đây, đã nhiều năm nghiên cứu về tảo xoắn Spirulina nhập từ nước ngoài về, nhưng từ khi chúng tôi tạo được một mô hình pilot ở Hòa Lạc thì mới được một tập đoàn để tâm đến. Họ bỏ ra một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư xây dựng hai nhà máy lớn tại Thanh Hóa và Lạng Sơn, tạo ra nguồn sản phẩm đủ sức đáp ứng cho nhu cầu của đông đảo nhân dân", GS. Nguyễn Lân Dũng cho hay.
Cũng theo GS. Nguyễn Lân Dũng, hiện nay, các nhà khoa học phải có trách nhiệm với sự nghiệp của ngành giáo dục, mỗi Hội khoa học chuyên ngành nên biên soạn những cuốn sách tham khảo về lĩnh vực đó, để tiếp sức thiết thực cho sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó, nhà khoa học cần quan tâm nhiều hơn cho nông nghiệp Việt Nam và không thể đứng ngoài cuộc CMCN lần thứ 4 bởi đây là cuộc cách mạng thay đổi cả thế giới và tác động đến cuộc sống của mọi người.
"Chúng ta đã và đang làm gì để đáp ứng với cuộc cách mạng này? Hiện nay vấn đề thanh toán chất dẻo dùng một lần đang là trào lưu của cả thế giới, trong khi đó chúng ta đã có doanh nghiệp có thể sản xuất được các sản phẩm chất dẻo tự phân hủy nhưng sản phẩm hầu hết chỉ được bán ra nước ngoài mà không được hưởng ứng tiêu thụ ở Việt Nam", GS. Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề.
Hoàng Giang