Tôi cho rằng đối với sự việc ở Trường Trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang sai phạm đến đâu, các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm đến đó, không bao che cho các cá nhân, tập thể vi phạm. Đồng thời, ngành Giáo dục cũng cần có những cuộc họp rút kinh nghiệm, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường
Bản thân tôi cũng đang công tác trong ngành Giáo dục. Tuy làm ở trường đại học nhưng tôi thiết tha đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục chỉ đạo các trường phổ thông tích cực hoàn thiện chương trình đào tạo và đưa bộ môn giảng dạy kỹ năng sống hay giáo dục nhân cách vào chương trình giáo dục.
Con gái tôi đang theo học ở một trường tư thục và cháu được giảng dạy môn giáo dục nhân cách. Cháu được giáo viên dạy rất nhiều kỹ năng sống, tất cả các vụ việc nóng của xã hội đều truyền đạt tới các con và dạy các con như cách phòng tránh hỏa hoạn, cách ứng xử khi ở trong trường cũng như khi đi ra ngoài đường... Tôi luôn thầm biết ơn Nhà trường vì đã đưa môn học giáo dục nhân cách vào chương trình học nên mỗi lần đến lớp đón con, tôi luôn được nghe cả lớp đồng thanh chào rất lễ phép, thậm chí tôi chỉ đi dưới sân trường cũng có một số bạn học cùng lớp con tôi chủ động chào tôi dù tôi chưa kịp nhận ra các cháu là ai. Khi con gái tôi về nhà luôn biết làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ, biết yêu thương, chia sẻ với người thân trong gia đình; các thầy cô giáo; các bạn học và những người xung quanh. Nhờ có sự giáo dục hàng ngày của các thầy cô mà con tôi có sự tiến bộ rõ rệt. Tôi thấy đưa môn học này vào chương trình giáo dục là vô cùng cần thiết và có ích trong quá trình phát triển nhân cách của các con.
Ngoài việc đưa môn học kỹ năng sống hay giáo dục nhân cách vào chương trình giáo dục ra, các Nhà trường cần phải tổ chức nhiều chương trình tình nguyện đem lại giá trị cho xã hội để học sinh tham gia. Nhà trường cần có những hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc đối với những học sinh gây ra bạo lực; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, truyền đạt các kiến thức về bạo lực học đường và các phòng tránh.
Các cơ quan quản lý giáo dục và Nhà trường có làm tốt đến mấy mà gia đình không có phương pháp giáo dục con mình đúng đắn, không quan tâm đến con thì cũng không thể biến những đứa trẻ hư thành những đứa trẻ ngoan. Tôi nghĩ rằng, yếu tố gia đình là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đến trẻ và nên dành thời gian giáo dục, dạy bảo trẻ để trẻ có sự cảm nhận từ tình cảm của người thân tạo một môi trường sống lành mạnh; hạn chế các hành vi bạo lực gia đình trước mặt trẻ; phối hợp chặt chẽ với Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học.
Trường học hạnh phúc khi giáo viên, học sinh đều hạnh phúc. Trước hết đó phải là môi trường an toàn, thân thiện. Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, các cơ quan quản lý giáo dục, Nhà trường, gia đình, giáo viên, học sinh đều phải cùng cố gắng thay đổi theo chiều hướng tích cực thì mới có thể chấm dứt tình trạng bạo lực học đường đau lòng đang diễn ra ngày càng nhiều như hiện nay. Tôi cũng rất mong chờ luật Nhà giáo với những căn cứ pháp lý cụ thể, chặt chẽ sẽ sớm ban hành để thầy, cô giáo không còn là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường. Chỉ khi đó, thầy, cô giáo mới có thể yên tâm cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp trồng người.