Cần giáo dục kiến thức bảo vệ bản thân cho trẻ

Hà Minh | 08/11/2023, 06:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Những tình huống mất an toàn cho trẻ em vẫn xảy ra hàng ngày. Do đó, cha mẹ cần dạy bảo trẻ kiến thức bảo vệ bản thân ngay từ khi còn nhỏ.

giao-duc-mam-non-.jpeg
Cần giáo dục kiến thức bảo vệ bản thân cho trẻ.

Cha mẹ dạy con về những tình huống không an toàn

Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều tình huống mất an toàn đã xảy ra đối với trẻ mà gia đình, cha mẹ không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Có thể kể ra một số tình huống điển hình như sau:

Một người mẹ thường dẫn đứa con 5 tuổi đi dạo chơi trên sông. Đứa bé vui chơi rất thoải mái, thoát khỏi mẹ, tự đi đến vùng nước nông để chơi. Tuy nhiên, đứa trẻ mải chơi nên ngã xuống nơi nước sâu. Người mẹ hốt hoảng vừa hô hoán gọi người cứu vừa nhảy xuống nước cứu con. Một lát mới có người tới cứu kịp hai mẹ con.

Một trường hợp khác, cũng phổ biến, là người cha cho con đi chơi ở khu vui chơi trẻ em. Nhưng trong lúc người cha đang chơi điện thoại thì đứa trẻ bị người lạ dụ dỗ, dẫn đi. Lúc này, chú bảo vệ ở gần đó phát hiện ra, ngăn chặn kịp thời. Người lạ chạy mất. Người cha được phen hoảng sợ.

Hoặc, một em bé tò mò chọc ngón tay vào ổ điện bị điện giật. Trẻ có thể tự ý bật bếp ga, tự ý cắm giắc cắm điện,..

Trẻ con vốn chưa có nhiều kiến thức nên không biết sợ, không nhận thấy sự nguy hiểm với bản thân. Đến khi xảy ra sự việc cũng không kịp hiểu tại sao? Nguyên nhân là do chúng còn nhỏ tuổi, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sống. Do đó, cha mẹ cần phải chú ý an toàn của con cái, không lơ là, chểnh mảng... để con trẻ rơi vào sự nguy hiểm.

Dù ở nơi đông đúc phức tạp hay vắng vẻ, ít người, cha mẹ cũng nên ở gần con, thường xuyên quan sát các hành động của con.

Ngay khi phát hiện ra những hành vi có thể nguy hiểm tới bản thân con, cha mẹ cần dừng chúng lại và hướng dẫn, giảng giải cho chúng về mức độ nguy hiểm của hành vi để chúng có bài học ghi nhớ, đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.

anh-minh-hoa-cho-tre-di-thuc-te.jpeg
 Cần cung cấp các tình huống thiếu an toàn cho trẻ. Ảnh minh hoạ.

Các tình huống thiếu an toàn cần giáo dục trẻ

Kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân nên được cha mẹ cùng rèn luyện với con trẻ từ sớm, bắt đầu từ ngay trong gia đình.

Chơi với thú vật thế nào cho an toàn?

Trẻ em thích ôm ấp, vuốt ve, thơm các con vật nuôi trong nhà như chó, mèo... Tuy nhiên, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh và cách chơi với chúng như không giật đuôi, đánh con vật, siết chặt con vật, tránh xa con vật lúc con vật đang ăn, đang cắn nhau với con khác hoặc đang có biểu hiện cáu kỉnh, tức giận … để con vật không bộc phát tính hung dữ, chuyển sang cắn trẻ.

Nếu trẻ bị con vật cắn, cần giải thích với trẻ về quy trình trích ngừa và theo dõi con vật để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Sử dụng thuốc an toàn

Cha mẹ không nên để các loại thuốc trong tầm tay con trẻ. Không để trẻ tự ý sử dụng thuốc. Nếu con phải sử dụng thuốc mà không có sự giám sát của cha mẹ thì cha mẹ phải hướng dẫn con cách sử dụng hoặc nhờ người giúp đỡ.

Sử dụng điện an toàn

Cha mẹ cần dạy trẻ cách sử dụng các đồ điện trong nhà nhưng không được tự tiện chạm tay vào nguồn điện, công tắc hay phích điện. Nếu nhà bị mất điện đột ngột, trẻ cần biết cách lấy đèn pin hoặc đèn sạc điện sẵn để sử dụng để chờ người lớn kiểm tra.

Thoát khỏi đám cháy

Cha mẹ cần dạy con biết cách phát hiện và thoát khỏi đám cháy. Nếu là đám cháy nhỏ, trẻ có thể sấp khăn ướt phủ lên đám cháy để dập lửa. Nếu là đám cháy lớn thì trẻ cần phải biết cách thoát ra khỏi đám cháy và gọi hỗ trợ từ hàng xóm.

Nếu trẻ bị bén lửa vào quần áo, trẻ cần biết cách cởi đồ hoặc nằm xuống lăn người trên nền nhà hoặc tìm nguồn nước làm ướt chỗ cháy.

duoi-nuoc.jpeg
Một buổi trang bị cho các em tránh đuối nước. Ảnh: Báo Ninh Bình.

Tiếp xúc với người lạ

Trong giao tiếp hàng ngày, trẻ cần phân biệt được người lạ và người quen với gia đình mình và chính mình. Từ đó, trẻ cần hiểu và thực hiện các nguyên tắc giữ an toàn cho mình trước người lạ như: không ăn đồ ăn người lạ cho, không đi theo người lạ, không tin lời người lạ nói…

Tìm cha mẹ khi bị lạc

Khi bị lạc cha mẹ, trẻ cần học cách bình tĩnh, không chạy lung tung mà cần phải chờ ở chỗ đã quy định với cha mẹ. Nếu ở nơi đông người như siêu thị, khu vui chơi, hoặc ngoài đường có nhiều người xung quanh, trẻ cần biết nhờ một người gọi điện thoại giúp cho cha mẹ nhưng không được tin lời người lạ dụ đi theo họ.

Đối phó với kẻ trộm

Nếu trẻ phát hiện trong nhà có người lạ hoặc một sự việc bất thường, trẻ cần phải được dạy là không nên vào nhà ngay mà phải chạy sang hàng xóm nhờ giúp đỡ. Cha mẹ cũng phải dạy trẻ cách lẩn trốn, bảo vệ bản thân trước khi kẻ lạ mặt phát hiện ra.

Đối phó với bạn rủ rê chơi trò chơi nguy hiểm

Bạn bè có thể rủ rê trẻ chơi những trò chơi nguy hiểm như bơi lội ở ao hồ, sông suối hay các trò thử thách trong game online... Cha mẹ cần giáo dục trẻ biết cách nhận diện nguy hiểm và từ chối bạn bè.

Đối phó với thời tiết

Trẻ cần được hướng dẫn cách đối phó với thời thiết xấu. Nếu trẻ được yêu cầu thực hiện hoạt động gì ngoài trời trong lúc thời tiết đang nóng quá hay lạnh, trẻ cần biết cách mặc đồ, uống nước hay sưởi ấm.

Nếu cần thiết, trẻ có thể từ chối yêu cầu hoạt động nếu cảm thấy không phù hợp với sức khỏe hoặc bản thân không khỏe, không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động.

Nếu quan điểm giáo dục của cha mẹ là ưu tiên sự trải nghiệm cá nhân thì cũng nên kiểm soát mức độ “buông lỏng” của mình đối với con trẻ.

Làm sao để con trẻ vẫn có khoảng trống tự do cho việc trải nghiệm vừa luôn cảm thấy an toàn khi có cha mẹ ở bên cạnh, hướng dẫn và chỉ dạy những điều cần thiết về việc bảo vệ cho bản thân.

Cha mẹ cần cùng con xây dựng ý thức tự bảo vệ cho trẻ còn hơn là quá lo lắng cho chúng hoặc quá kiểm soát chúng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần giáo dục kiến thức bảo vệ bản thân cho trẻ