Cần hành lang pháp lý đồng bộ

02/03/2024, 07:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tự chủ là con đường tất yếu để giáo dục đại học phát huy sức mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực...

Tự chủ là con đường tất yếu để giáo dục đại học phát huy sức mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho đất nước, để Việt Nam hướng đến mục tiêu nằm trong 10 nước có nền giáo dục tiên tiến ở khu vực châu Á.

Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) (Luật số 34), nhờ đẩy mạnh tự chủ, nhiều trường đại học đã có chuyển biến tích cực về đội ngũ, cơ sở vật chất, quy mô tuyển sinh, chất lượng đào tạo, mức độ hội nhập quốc tế… Tuy vậy, còn không ít đơn vị, kể cả trường đại học lớn đã thí điểm nhưng chưa sẵn sàng tự nguyện chuyển qua cơ chế tự chủ.

Rào cản lớn nhất cho sự sẵn sàng là câu chuyện tài chính. Tình hình này là khoảng lặng, khi chủ trương nâng cao mức độ tự chủ tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập đang được Chính phủ xúc tiến. Theo Bộ Nội vụ, dự kiến hết năm 2025, trong số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, có 24 cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính, từ đảm bảo chi thường xuyên trở lên; 11 trường khác tiếp tục duy trì loại hình trường tự chủ.

Đảm bảo tài chính luôn là công việc quan trọng của các trường đại học. Trước khi thực hiện tự chủ, ngân sách Nhà nước là nguồn tài chính chủ yếu của các cơ sở đại học công lập. Mức độ tự chủ gia tăng đồng nghĩa việc nguồn tiền từ ngân sách giảm dần, buộc nhà trường phải lo tăng thu. Thế nhưng thời gian qua, cơ chế chính sách để đẩy mạnh nguồn thu trong trường đại học chưa thông.

Tự chủ tài chính nhưng các trường vẫn phải bám theo khung học phí để vừa sức chi của dân. Sở hữu tài sản công có giá trị lớn nhưng khi trường muốn sử dụng với mục đích khác nhau để tăng thu thì phải xin phê duyệt. Việc chi tiêu buộc phải thực hiện theo luật trong khi các văn bản về tài chính cực kỳ phức tạp và thông qua nhiều cơ chế khác. Nguồn tài trợ cho các trường đại học cũng chưa có hành lang pháp lý rõ ràng…

PGS Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hàng hải Việt Nam từng chỉ ra 8 vấn đề chưa có sự đồng bộ giữa các quy định của Luật 34 so với các luật và văn bản hướng dẫn khác, như về nguồn thu khoa học công nghệ, học phí, hỗ trợ người học, phê duyệt tài chính, thông qua báo cáo tài chính năm, chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản lớn, chính sách tiền lương, xác định mức thu dịch vụ tuyển sinh.

Cơ chế chính sách để đẩy mạnh các nguồn thu khác chưa thông, nên thời gian qua, nguồn tài chính của các trường chủ yếu dựa trên học phí. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, với trường đại học công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỷ trọng trên 80% tổng nguồn thu của trường. Sức ép chi phí khiến các trường buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí hằng năm.

Thực tiễn này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nhà trường mà còn tác động trực tiếp đến người học, gây bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học giữa người dân có thu nhập khác nhau.

Hiện các cơ quan từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất quan điểm tự chủ không phải là tự túc, phó thác cho các trường tự lo kinh phí, tự chủ vẫn cần đầu tư. Thế nhưng đầu tư thế nào, lúc nào, cách gì, xây dựng cơ chế mở để tăng thu ra sao… cần có hành lang pháp lý đồng bộ.

Cùng với việc xem xét, sửa đổi Luật 34, tới đây cần rà soát, sửa đổi các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Lao động…. để tháo gỡ bài toán tài chính, mở đường cho tự chủ đại học phát triển thuận lợi, đúng hướng hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần hành lang pháp lý đồng bộ