Theo Sở Xây dựng TP HCM, trong quý I/2023, sở này đã xác nhận 5 dự án với tổng số 7.753 căn nhà đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, có 1.515 căn nhà ở trung cấp giá 20 - 40 triệu đồng/m2, trong khi cùng kỳ năm 2022 không có căn nào.
Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP HCM và vùng phụ cận quý I/2023 của DKRA Group cũng cho thấy thị trường căn hộ có 8 dự án mở bán trong quý với khoảng 1.378 căn hộ, tập trung chủ yếu tại TP HCM và Bình Dương. Trong đó, căn hộ hạng B (nhà trung cấp) trở thành phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường khi chiếm 56,2% tổng nguồn cung, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc TP HCM.
Nhà trung cấp sẽ "nóng"!?
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho rằng trong thời gian tới, thị trường căn hộ có giá trung bình, phù hợp túi tiền người mua để ở sẽ nhộn nhịp trở lại. Bởi đây là phân khúc mà thị trường có nhu cầu rất lớn, bên cạnh phân khúc nhà ở xã hội mà Chính phủ đang khuyến khích. Giá của dòng sản phẩm này tiệm cận với giá nhà ở xã hội nhưng vượt trội về chất lượng, tiện ích.
Đặc biệt không ràng buộc về điều kiện, đối tượng mua nhà. Đây cũng là phân khúc tạo thanh khoản tốt cho thị trường lâu nay. Cũng theo ông Phúc, những dự án nhà ở bình dân mà Phú Đông Group đang triển khai đều có pháp lý đầy đủ nên các ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn nếu khách hàng có nhu cầu.
Theo chuyên gia tài chính - bất động sản TS Phạm Anh Khôi, việc trở lại của phân khúc nhà ở giá bình dân là tín hiệu vui, đúng chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, việc này cần phải xét đến yếu tố lâu dài, bền vững chứ không giống như 10 năm trước, cũng đã có nhiều doanh nghiệp phát triển căn hộ trung bình nhưng sau đó, khi thị trường ấm dần và trở nên nóng sốt họ lại "bỏ quên" phân khúc này để chuyển sang đầu tư nhà ở cao cấp. Vì vậy, nhà nước cần quan tâm để thị trường căn hộ bình dân phát triển phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Muốn như vậy cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển căn hộ thương mại giá bình dân, thay vì chỉ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. "Ở các nước như Singapore và Úc họ làm rất tốt điều này. Chính phủ tổ chức đấu giá đất, tạo điều kiện cho chủ đầu tư xây dựng và bán nhà giá rẻ hoặc phát triển dự án nhà ở theo hình thức công - tư, góp phần đưa ra thị trường những căn hộ thương mại có giá hợp lý để người dân mua chứ không chỉ yêu cầu doanh nghiệp triển khai nhà ở xã hội" - TS Phạm Anh Khôi dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển kinh doanh OneHousing, nhận xét việc lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm thời gian gần đây đã góp phần thúc đẩy dòng tiền rục rịch chuyển hướng từ ngân hàng sang bất động sản và hiện nay là thời điểm tốt nhất để người có nhu cầu ở thực "xuống tiền" cho các sản phẩm nhà để ở hoặc cho thuê vì giá đã xuống tới mức hiếm có.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, Chính phủ đã liên tục có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho thị trường bất động sản, cung ứng vốn cho nền kinh tế cũng như phát triển nhà ở cho người có nhu cầu thực sự, điều này chắc chắn sẽ là cú hích để phân khúc nhà ở vừa túi tiền trở lại.
Hết cơ hội "lướt sóng"
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, nhấn mạnh thị trường bất động sản hiện nay không còn cuộc chơi của "lướt sóng" hay đầu cơ mà đây sẽ là năm của các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người mua để ở. Tuy nhiên, đó phải là những dự án có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng tốt và thuộc phân khúc vừa túi tiền.
"Trong các kênh đầu tư, bất động sản vẫn là tài sản an toàn và mang lại lợi nhuận tốt trong dài hạn. Bên cạnh yếu tố pháp lý, thanh khoản dự án ở giai đoạn này phần lớn là phải có tầm giá phù hợp với tài chính số đông người mua" - ông Tuấn lý giải.