Từ nay đến năm 2030 cần khoảng 24.240 ha để phát triển hệ thống cảng hàng không Việt Nam với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 440.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định điều chỉnh bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 648 ngày 7/6/2023 của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 (giai đoạn 1 - PV), tầm nhìn đến năm 2050 (giai đoạn 2).
Theo quyết định, diện tích đất chiếm dụng dự kiến của quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 là khoảng 24.240 ha, nhu cầu vốn đầu tư khoảng hơn 440.000 tỷ đồng được huy động từ vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch của Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài và phụ lục I, II. Cụ thể, sân bay này có công suất giai đoạn 1 khoảng 55 triệu hành khách/năm và tăng lên 85 triệu hành khách/năm vào giai đoạn 2. Ước tính chi phí đầu tư khoảng hơn 93.550 tỷ đồng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là khoảng gần 198.000 tỷ đồng.
Bổ sung Cảng HKQT Gia Bình tại Bắc Ninh vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó sân bay Gia Bình sẽ có quy mô cấp sân bay 4E rộng hơn 408 ha, công suất giai đoạn 1 khoảng 5 triệu hành khách/năm và giai đoạn 2 đạt 15 triệu hành khách/năm với chi phí đầu tư giai đoạn 1 khoảng 25.614 tỷ đồng và giai đoạn 2 là hơn 12.080 tỷ đồng.
Được biết, trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về việc đầu tư xây dựng đường kết nối Cảng HKQT Gia Bình với Thủ đô Hà Nội và xây dựng trung tâm logistics tại khu vực của cảng.
Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc chủ trương việc nghiên cứu mở rộng Cảng HKQT Gia Bình thành cảng HKQT cấp 4E; đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối Cảng với Thủ đô Hà Nội và xây dựng trung tâm logistics nhằm giảm tải cho Cảng HKQT Nội Bài, đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo hoạt động các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đối ngoại quốc tế, việc đầu tư xây dựng thêm một cảng hàng không lưỡng dụng kết hợp vừa phục vụ an ninh quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết.