Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp thẩm tra sơ bộ dự thảo. Ảnh: PHẠM THẮNG
Có 10 ngày để xin từ chức
Cơ bản tán thành với quy định trên, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo Nghị quyết là 10 ngày để người được lấy phiếu có mức ‘tín nhiệm thấp” xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp Chủ tịch UBND có mức “tín nhiệm thấp”.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết trường hợp người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mà không còn được Quốc hội, HĐND tín nhiệm thì xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đang giữ.
Bởi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, trong trường hợp này, Quốc hội, HĐND thực hiện lấy phiếu một lần đối với các chức vụ mà người đó đảm nhiệm.
Ngoài ra, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay quá trình thảo luận, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng bỏ phiếu tín nhiệm, thực chất là một hình thức xem xét kỷ luật đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Vì theo quy định tại Điều 11 dự thảo Nghị quyết, các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua thăm dò cho thấy người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn đạt mức "tín nhiệm thấp".
Trong khi đó, hệ quả nặng nhất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo Nghị quyết đều là trình Quốc hội, HĐND quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.
Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá “không tín nhiệm” thì Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.