Ảnh minh họa ITN. |
Bộ tiêu chuẩn được sử dụng để xem xét cho phép mở, nâng cấp trường và dừng đào tạo (hoặc tối thiểu là dừng tuyển sinh) khi có một trong các tiêu chuẩn, tiêu chí bắt buộc không đạt chuẩn. Các trường chỉ được phép đào tạo trở lại khi chứng minh được đã khắc phục tồn tại ở tiêu chuẩn bắt buộc. Một bộ máy lỗi có nguy cơ cao tạo ra các sản phẩm lỗi.
Lúc này Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT đóng vai trò một bộ tiêu chuẩn kiểm định cao hơn mà các trường phấn đấu đạt được, cũng như có thể lựa chọn các bộ tiêu chuẩn kiểm định khác (trong nước và quốc tế) với yêu cầu cao hơn để khẳng định thương hiệu và chất lượng của đơn vị.
Dù chọn cách sử dụng theo phương án nào thì các tiêu chuẩn, tiêu chí cũng phải bám vào giải quyết mục đích sử dụng chuẩn. Chúng ta không nên xây dựng Bộ tiêu chuẩn vừa để quản lý trực tiếp, vừa giải quyết mục tiêu phấn đấu hay khắc phục tồn tại. Như đã phân tích ở trên, chỉ nên chọn một trong hai phương án và xây dựng Bộ tiêu chuẩn nhất quán theo phương án được lựa chọn.
Bộ tiêu chuẩn cần nhất quán từ mục tiêu hướng đến của giáo dục đại học Việt Nam, mục đích sử dụng hướng đến các tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp để đạt mục đích và mục tiêu đề ra. Các tiêu chuẩn, tiêu chí không thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học thì không nên sử dụng trong Bộ tiêu chuẩn này như phân tích của nhiều chuyên gia quản lý giáo dục thời gian qua.
Phân biệt rõ vai trò của Bộ tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học với Bộ tiêu chuẩn kiểm định để không chồng chéo trong triển khai kiểm định chất lượng và kiểm tra đạt chuẩn, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học sau khi ban hành chuẩn.
Cùng đó, cần có một khoảng thời gian chuyển tiếp để các cơ sở giáo dục đại học có sự điều chỉnh, đầu tư và phát triển để đạt chuẩn. Sau khoảng thời gian trên cơ sở giáo dục đại học không đáp ứng chuẩn sẽ buộc phải dừng lại để lựa chọn tái cơ cấu, sáp nhập hoặc giải thể.
Các cơ sở giáo dục đại học còn tồn tại được sau khi áp dụng chuẩn sẽ là những trường đủ mạnh thực sự và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam khi đó không còn trường đại học yếu, thiếu chuẩn. Nếu chọn phương án thứ nhất thì có thể chọn mốc thời gian 2030 để các cơ sở giáo dục phải đạt chuẩn, còn nếu chọn phương án thứ hai có thể chọn mốc thời gian năm 2025.
Rất mong các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học bàn thảo và lựa chọn phương án phù hợp cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện tại. Nếu chúng ta chỉ bàn về các tiêu chí cụ thể như số lượng máy tính, sách thư viện, tỉ lệ nhập học, thôi học… hay đem thực trạng của đơn vị mình để nắn chuẩn… thì sẽ khó đi tới đích cuối cùng mà Bộ tiêu chuẩn muốn hướng đến đó là Quy hoạch và phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.