'Cần lấy ý kiến người dân về quy hoạch qua hội thảo hoặc phiếu khảo sát'

Sơn Hà | 04/04/2024, 22:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các thành viên Mặt trận Tổ quốc đề nghị việc lấy ý kiến người dân về phương án quy hoạch phải thực hiện thông qua hội nghị hoặc phiếu khảo sát - do người dân lựa chọn.

Ngày 4/4, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phản biện Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Điều 34 dự thảo quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch được thực hiện thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch; niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng hoặc phát phiếu điều tra phỏng vấn; tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức khác.

Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chưa đồng tình với nội dung này vì quy định không rõ ràng. Ông đề nghị dự luật nêu rõ yêu cầu "lấy ý kiến dân cư sinh sống tại khu vực trước khi phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu". Việc lấy ý kiến do người dân lựa chọn (theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở), có thể thông qua hội nghị hoặc phiếu khảo sát, trong đó ghi rõ trách nhiệm của cơ quan lập, điều chỉnh quy hoạch.

Ông Ngô Sách Thực phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hoàng Phong).

Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng quy định lấy ý kiến người dân phải phân theo cấp quy hoạch và dựa vào tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng tới người dân. Dự luật cần quy định số lượng, tiêu chuẩn và trách nhiệm, quyền lợi của chuyên gia khi tham gia đóng góp ý kiến.

"Tôi đề xuất cơ quan chức năng thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp để tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức tham gia phản biện, tránh hiện tượng thân quen, thiếu khách quan khi mời chuyên gia góp ý", ông Dũng nói.

Theo ông, cơ quan soạn thảo cũng cần bổ sung quy định thành phần đại diện cộng đồng dân cư tham gia ý kiến để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ; nêu rõ chế tài trong trường hợp không tổ chức lấy ý kiến hoặc phát hiện việc lấy ý kiến không đảm bảo quy định.

Tiến sĩ Đặng Việt Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hoàng Phong).

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng ý kiến phản biện của thành viên Hội đồng thẩm định về quy hoạch đô thị và nông thôn cần được phản ánh lên cấp trên có thẩm quyền. "Tôi đề nghị dự luật bổ sung quy định giải trình, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định quy hoạch", ông nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Bồng, Phó chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, góp ý dự thảo cần bổ sung nguyên tắc về quyền, trách nhiệm kiểm tra giám sát của Quốc Hội, MTTQ Việt Nam, HĐND các cấp, tổ chức, cá nhân trong lập và điều chỉnh quy hoạch.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế 5 chương, 61 điều. Các nội dung mới bao gồm tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; bổ sung quy định về quy hoạch, tổ chức không gian ngầm; quy định điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5 và thông qua vào cuối năm nay.

Bài liên quan
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Ninh Cơ nối xã Trực Mỹ - Trực Cường, Trực Ninh, Nam Định
Một cầu vượt sông Ninh Cơ dự kiến được xây dựng kết nối các xã Trực Mỹ - Trực Cường, huyện Trực Ninh, Nam Định.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Cần lấy ý kiến người dân về quy hoạch qua hội thảo hoặc phiếu khảo sát'